
Trong 2 ngày 30 và 31-5, Hội thảo quốc gia “Phát triển bền vững thành phố xanh trên lưu vực sông” do Viện Môi trường - Tài nguyên (ĐH Quốc gia TPHCM) và Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) tổ chức đã diễn ra tại TPHCM. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 230 đại biểu là lãnh đạo của các cơ quan quản lý của trung ương và địa phương, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Mặc dù chủ đề của hội thảo chỉ “khoanh vùng” trong phạm vi “lưu vực sông”, thế nhưng các vấn đề gây bức xúc về môi trường đô thị cũng được các đại biểu mang ra mổ xẻ, không chỉ ở TPHCM mà còn mở rộng ra các tỉnh lân cận để tìm giải pháp xử lý.

Vệ sinh kênh Nhiêu Lộc.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Đua báo động: TPHCM đang đối mặt với áp lực từ rác thải. Lượng rác sinh hoạt đã lên đến 4.178 tấn/ngày, chất thải rắn y tế là 6,8 tấn/ngày, chất thải công nghiệp ước tính từ 720-850 tấn/ngày.
Theo ông Nguyễn Văn Đua, lượng rác này nếu không thu gom và xử lý đúng đắn, nó sẽ là thảm họa cho môi trường thành phố.
Thêm một nghịch lý, trong khi các kênh rạch nội thành đang được xử lý sạch thì các con sông ngoại thành (Ba Bò, Thầy Cai – An Hạ, Vàm Thuật – Bến Cát…) đang dần “tiều tụy” bởi chất thải.
Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường TPHCH, sở dĩ TPHCM đang lãnh chịu hậu quả của cảnh quan đô thị bị phá vỡ, chất lượng môi trường sống của cộng đồng chưa được đảm bảo là vì trong thời gian dài chúng ta chỉ chú trọng vào “hiệu quả - lợi ích” mang lại từ các hoạt động sản xuất – dịch vụ - kinh doanh mà chưa tính đến chi phí ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
Thực tế, chỉ có 10/47 xí nghiệp trên địa bàn TPHCM có hệ thống xử lý chất thải, trong đó nhiều các hệ thống chất thải hoạt động chỉ mang tính đối phó với cơ quan quản lý nhà nước. GS-TS Lâm Minh Triết (Viện Môi trường và Tài nguyên TPHCM) thẳng thắn nêu lên những mặt chưa làm được trong việc quản lý môi trường tại TPHCM.
Đó là: việc chỉ đạo thực hiện chiến lược về môi trường còn nhiều hạn chế; chưa có một cơ quan điều phối thống nhất trong việc triển khai các nội dung của chiến lược; chưa có quy hoạch tổng thể môi trường cho toàn thành phố dẫn đến việc triển khai chiến lược còn lúng túng; nhân lực quản lý thiếu về số lượng và yếu về chất lượng…
Do vậy, các đại biểu đề ra giải pháp thực hiện là hợp nhất 3 mặt của sự phát triển gồm: kinh tế – xã hội và môi trường; tạo điều kiện phổ biến kiến thức bảo vệ môi trường thông qua báo chí; đặc biệt, Sở TN - MT TPHCM đề nghị xử phạt trực tiếp chủ của doanh nghiệp gây ô nhiễm...
Chiều 31-5, Hội nghị bàn tròn “Đánh giá tình hình thực hiện cam kết hợp tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai” do Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND TPHCM tổ chức, hầu hết đại biểu đều thống nhất tiếp tục đề xuất Chính phủ thành lập Uûy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai.
Được biết, trong năm 2002, Bộ Khoa học Công nghệ - Môi trường đã trình đề án này nhưng Chính phủ chưa phê duyệt. Tuy nhiên, hệ thống lưu vực sông Sài Gòn- Đồng Nai ngày càng ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng đến nhiều địa phương, do vậy, có một tổ chức quản lý hệ thống sông này là cấp thiết.
P.V.A.