Quy hoạch đô thị tại các khu công nghiệp

Thiếu tầm xa, mất cân đối

Thiếu tầm xa, mất cân đối

Bắt đầu xuất hiện từ những năm đầu thập niên 1990, đến nay hệ thống các khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN-KCX) của nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ và góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều vấn đề nảy sinh trong đó việc phát triển ồ ạt các KCN đã khiến đô thị nhiều vùng trên cả nước mất cân đối. Làm thế nào để định hướng, hoạch định chính sách quy hoạch các đô thị này trong tương lai là nội dung chính của hội thảo: “Quy hoạch kiến trúc các đô thị vùng phát triển công nghiệp” – do Hội Kiến trúc sư VN vừa tổ chức tại Đồng Nai.

Đô thị bị “bỏ quên” khi quy hoạch KCN

Hơn 200 đại biểu là các kiến trúc sư (KTS), nhà quản lý, nhà khoa học… đến từ khắp cả nước đều có chung nhận định: Sự hình thành và phát triển các KCN-KCX ở nước ta đã góp phần quan trọng vào công cuộc giải quyết công ăn việc làm, nâng cao dân trí, tạo nguồn thu quốc gia và thực hiện các chính sách xã hội. Tuy vậy, sự phát triển của các KCN-KCX hơn 15 năm qua đã đặt ra nhiều vấn đề cho ngành quy hoạch, kiến trúc liên quan đến sự phát triển của đô thị ở những nơi này. Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam thì: “Sự phát triển các KCN của nước ta đã nhanh hơn tốc độ phát triển đô thị. Việc đầu tư cho phát triển đô thị ít hơn phát triển công nghiệp, nhất là các hạ tầng khung cho đô thị có tiềm năng phát triển trong tương lai”.

Thiếu tầm xa, mất cân đối ảnh 1

Một góc KCN Hiệp Phước TPHCM. Ảnh: THÀNH TÂM

Ý kiến trên được nhiều đại biểu ủng hộ. Theo TS Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, một trong những tỉnh thành có tốc độ phát triển các KCN-KCX hàng đầu cả nước, thì khi quy hoạch các KCN, người ta đã không chú ý đến quy hoạch đô thị và tốc độ phát triển đô thị hiện nay. Cụ thể, những năm 1995, các nhà quy hoạch đã cho ra đời KCN Tân Bình nhưng không tính đến đô thị thành phố tiến về phía Tây-Bắc. Đến nay quận Tân Bình đã trở thành nội thành vì vậy KCN Tân Bình đã nằm ở nội thị, đây là điều chưa hợp lý khi quy hoạch KCN ở đô thị lớn.

Hậu quả, hàng ngày ở khu vực các đường: Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý… luôn xảy ra tắc đường vào giờ cao điểm. Ông cho rằng, chính vì chưa có quy hoạch vùng, chúng ta đã lo quy hoạch điểm, nên phải đối mặt với những bất cập. Vẫn theo ông Hiệp, ngoài KCN Tân Bình, các KCN khác của TPHCM đều chưa chú trọng đến việc quy hoạch nhà ở cho công nhân. “Điều này dẫn đến việc ở đâu có KCN, có nhà máy mọc lên là xuất hiện các khu ổ chuột, khu nhà xập xệ để cho công nhân thuê. Chúng ta không thể để các “đô thị nhà trọ” phát triển cạnh các KCN-KCX” – ông Hiệp nói.

Đồng quan điểm đó, TS-KTS Nguyễn Thiềm cho rằng, chính sách của Nhà nước nói chung và các địa phương nói riêng hiện còn phân biệt quá rõ ràng việc đầu tư cho KCN và cho khu đô thị. Trong khi đầu tư cho KCN được ưu tiên giải phóng mặt bằng, thì nhiều địa phương lại gần như bỏ mặc nhà đầu tư khu dân cư để họ phải đối mặt với các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng rất nhiều khê, phiền toái. Quy hoạch đô thị đã bị “bỏ quên, bỏ rơi” khi quy hoạch các KCN-KCX. Ông Thiềm thẳng thắn đặt vấn đề: “Đã đến lúc chúng ta nên rung hồi chuông cảnh báo về sự mất cân đối, do đã tách rời quy hoạch các KCN-KCX với quy hoạch đô thị ở các khu vực này”.

Đâu là giải pháp căn cơ?

Vậy những tồn tại trong quy hoạch đô thị ở các vùng phát triển KCN-KCX có giải pháp khắc phục không? Câu trả lời là “có”, nhất là với các KCN-KCX đang trong giai đoạn phát triển. Theo KTS Nguyễn Bá Ân, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) thì nếu biết kết hợp sự phát triển các KCN-KCX với phát triển đô thị thì chúng ta sẽ có được những đô thị lý tưởng. KTS Ân phân tích, hầu hết các KCN-KCX đều bám vào các vùng vành đai thành phố thì mới thu hút được nguồn lao động.

Nếu các nhà quy hoạch lấy các KCN-KCX làm hạt nhân để phát triển các đô thị liền kề chắc chắn sẽ vừa giải quyết được nhu cầu nhà ở công nhân vừa hạn chế được sự phát sinh của “đô thị nhà trọ”. “Nước ta đã cho ra đời thành phố Nhơn Trạch nằm ngay KCN Nhơn Trạch (Đồng Nai), nơi cách TPHCM chỉ khoảng 30km và ngay cạnh các KCN Cát Lái (TPHCM) Gò Dầu, Phú Mỹ… (Bà Rịa – Vũng Tàu). Đây sẽ là thành phố lý tưởng vào năm 2020 không chỉ cho người Đồng Nai mà cho cả công nhân làm việc tại TPHCM khi các phương tiện giao thông hiện đại như xe điện ngầm, xe buýt cao tốc… phát triển” – ông Ân nói.

Đi sâu vào phân tích vấn đề này, các đại biểu nhận định, việc phát triển các KCN-KCX một cách tự phát, chưa hợp lý đã dẫn đến những tác động không tốt đến sự phát triển của những vùng dân cư xung quanh. Nhiều KCN đã bị kêu ca vì tình trạng hạ tầng xuống cấp, khí thải, chất thải không được xử lý tốt gây ô nhiễm môi trường xung quanh… KTS Nguyễn Thúc Hoàng, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam phân tích về sự manh mún khi các KCN được quản lý nhỏ lẻ bởi các địa phương khác nhau dẫn đến sự mất cân đối cả trong quy hoạch lẫn quản lý. Ông cho rằng, để giải quyết các mâu thuẫn giữa phát triển công nghiệp và đô thị, các tỉnh thành phải đặt lợi ích chung của đất nước lên trên lợi ích của địa phương. Ông Hoàng kiến nghị: “Không thể để sự manh mún của các KCN tồn tại chỉ vì ranh giới của các địa giới hành chính mà dẫn đến sự khác nhau về quy mô, cấp độ, nội dung, hình thức, quy hoạch – kiến trúc, môi trường… ở đô thị các vùng phát triển KCN”.

Trên bình diện rộng hơn, nhiều KTS, nhà nghiên cứu cho rằng, rất cần có cơ chế để đưa ra quy hoạch phát triển các KCN-KCX chung cho cả một vùng kinh tế. Điều này đem lại thuận lợi cho nhiều vùng cả trong việc phát triển KCN lẫn phát triển đô thị. Nếu được như vậy, sự phát triển của hạ tầng đô thị, hệ thống giao thông, phát triển nhà ở, khả năng chống ô nhiễm môi trường… chắc chắn sẽ được giải quyết. Và như vậy, sự phát triển các KCN-KCX sẽ nằm trong sự phát triển ổn định, dài hơi của quy hoạch đất nước trong tương lai.

Sau 15 năm hình thành và phát triển (đến năm 2006), nước ta đã có trên 130 KCN với diện tích đất tự nhiên trên 26.971ha, trong đó đất có thể cho thuê chiếm gần 70%. Các KCN được phân bố rộng khắp trên địa bàn 45 tỉnh, thành trên cả nước. Đến thời điểm này đã có 76 KCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 75% và 54 KCN đang trong giai đoạn hoàn thiện xây dựng cơ bản và bắt đầu cho thuê. Các KCN-KCX là nơi thu hút đông đảo lao động nhất cả nước, chỉ tính riêng giai đoạn 2001-2005, khu vực này đã tạo việc làm cho 656.000 lao động.

NGUYỄN ĐỖ MINH

Tin cùng chuyên mục