Thịt cọp kho quẹt

Trong lúc tôi cạy dừa thì con nhỏ chủ vườn đi nấu cơm và làm thịt cọp kho quẹt. Một lúc sau tôi thấy nó dọn cơm lên, trên mâm cơm có một tô nước dừa và một cái ơ… thịt cọp kho quẹt đang bốc mùi thơm ngào ngạt.
Minh họa: D.Khanh
Minh họa: D.Khanh
Dân xứ dừa đều biết, trước đây dừa khô không bán nguyên trái mà phải lột vỏ, đập trái dừa ra làm 2, mang phơi nắng cho dốt dốt rồi cạy ra, vô bao chỉ xanh mang lên tỉnh bán cho những chủ vựa. Từ đó, dừa khô đi khắp nơi để chế biến, sản xuất ra những sản phẩm từ dừa, trong đó có dầu dừa là thành phần không thể thiếu để chế biến ra xà bông.
Tuổi thơ tôi gắn liền với dừa, quanh quẩn trong vườn dừa để tát mương, bắt cá, câu cua, bắt tổ chim sâu, chỉa cá bống sao, vòng cá kèo, bắt tổ ong ruồi trên ngọn dừa, gác cu, và… leo hái trộm dừa, nhất là dừa nếp để uống nước và ăn sọ dừa. Nhưng vui nhất có lẽ là tới mùa giựt dừa, ngoài việc bè dừa về bến ném dừa lên sân thành từng đống, lột dừa bằng cây đầm, chặt dừa lấy nước để nấu nước màu, tìm dừa có mộng để ăn mộng dừa và tất nhiên là cạy dừa cho chủ vườn ăn công, một việc rất thích hợp với trẻ con để kiếm tiền mua sách vở.
Cạy dừa thường làm buổi tối, những đêm có trăng sáng, ngoài trẻ con ra có các cô gái, phụ nữ trung niên… làm từ lúc trăng lên đến khi trăng treo đỉnh đầu thì nghỉ, đêm sau làm tiếp. Ở quê tôi, chủ vườn dừa có vài ba mẫu là bình thường, tới mùa giựt dừa phải thuê 2-3 người giựt, 5-7 người gánh, 4-5 đứa trẻ con bè, vì dừa tính bằng thiên (ngàn) chứ không tính bằng chục, bằng trăm.
Những đêm trăng sáng xúm nhau trên sân gạch rộng mênh mông để cạy dừa là vui nhất, vì có chè cháo và đờn ca tài tử giúp vui để dân cạy dừa quên mệt nhọc. Và cũng chính nhờ những đêm cạy dừa mướn của tuổi thơ, tôi đã biết được một món ăn dân dã, tuyệt ngon, đó là… thịt cọp kho quẹt. Lần nọ, cạy dừa tới nửa đêm, đói bụng, nhóm đờn ca tài tử đã rã đám, nhân công cạy dừa cũng tạm ngưng, ai về nhà nấy, chỉ còn tôi và nhỏ con gái của chủ vườn, cũng là bạn học cùng lớp với tôi. Tôi đói bụng quá nên hỏi: “Ê, mày đói bụng không?”, “Đói”. “Nhà còn gì ăn cơm không?”. “Hết hồi tối rồi, thợ đông quá, thêm đám đờn ca nữa nên không còn món gì”. “Giờ sao?”. “Để tao tính”. 
Một lúc con nhỏ chủ vườn hỏi tôi: “Mày dám ăn thịt cọp kho quẹt không?”. “Trời, thịt cọp ở đâu nhà mày có, ăn làm sao?”. “Ậy, miễn có thì thôi. Để tao làm cho mày ăn”.
Trong lúc tôi cạy dừa thì con nhỏ chủ vườn đi nấu cơm và làm thịt cọp kho quẹt. Một lúc sau tôi thấy nó dọn cơm lên, trên mâm cơm có một tô nước dừa và một cái ơ… thịt cọp kho quẹt đang bốc mùi thơm ngào ngạt. “Ăn đi, món này ngon tuyệt cú mèo”. Cơm chan nước dừa ăn với nước mắm kho quẹt thì tôi đã từng ăn, rất ngon, còn cơm chan nước dừa ăn với thịt cọp kho quẹt thì bữa nay tôi mới được ăn lần đầu. Do nửa đêm đói bụng và chỉ có mình tôi với con nhỏ chủ vườn nên tôi không khách sáo, sau khi chan cơm với nước dừa làm canh, tôi thò đũa gắp một miếng “thịt cọp” đưa lên miệng nhai. Ôi trời, tưởng gì, hóa ra là miếng dừa khô kho quẹt, có hương vị béo béo, bùi bùi, ngọt ngọt do tài “chế biến” của con nhỏ. Tôi thắc mắc: “Dừa khô thì nói là dừa khô, sao mày kêu thịt cọp làm tao hơi sờ sợ?”. “Thịt cọp đâu mà thịt cọp, nếu thịt cọp thiệt tao cũng không dám ăn”. “Sao dừa khô mày kêu bằng thịt cọp?”. “Lúc nãy tao cạy dừa, chặt miếng trên tấm thớt mày có nghe tiếng… cộp cộp không?”. “Có, tao có nghe, tưởng đâu mày chặt thịt cọp thiệt”. Con nhỏ chủ vườn cười cười: “Đó, dừa khô chặt miếng trên tấm thớt nghe cộp cộp thì không là… thịt cọp chứ là thịt gì?”.
Các bạn thử đi, hôm nào mua một trái dừa khô về đập lấy nước làm canh, còn phần cơm dừa cạy ra, chặt miếng kho với nước mắm ngon, nêm chút đường cát, đổ vô một tí nước lạnh, chờ đến khi hỗn hợp trong cái nồi đất hoặc cái ơ đất cạn nước, sánh lại, bốc mùi thơm nức mũi thì rắc lên trên mặt một chút tiêu đã xay nhuyễn rồi tắt lửa nhắc xuống nhé. Cơm chan nước dừa, ăn với “thịt cọp” kho quẹt kiểu này sẽ nhớ đời đấy. Bằng chứng là tôi đã được ăn món độc đáo này từ lúc 9-10 tuổi, do con nhỏ chủ vườn, bạn học cũ nấu mà tới giờ vẫn còn nhớ…

Tin cùng chuyên mục