Khai thác cát trái phép

“Thổ phỉ” trên sông Sài Gòn, Đồng Nai

“Thổ phỉ” trên sông Sài Gòn, Đồng Nai

Từ khi UBND TPHCM cấm khai thác cát trên sông rạch, dọc các tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai, Cái Tắc, Xoài Rạp… không còn những cần cẩu vươn cao khai thác cát rầm rộ nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là không còn chuyện khai thác cát trái phép.

  • Lấy đêm làm ngày
“Thổ phỉ” trên sông Sài Gòn, Đồng Nai ảnh 1

Hoạt động bơm hút cát ở rạch Ông Tranh (cầu Ông Tranh) phường An Phú quận 2.

Trở lại các điểm nóng khai thác cát lậu ở thượng nguồn sông Sài Gòn như xã Trung An, Phú Hòa Đông, An Phú… huyện Củ Chi, chúng tôi thấy không khí có vẻ yên. Nhưng khi hỏi chuyện ông H.V.T, nhà gần sông Sài Gòn ấp Bốn Phú, xã Trung An, mới vỡ lẽ: “Êm ắng vậy đó, nhưng chỉ ban ngày thôi, ban đêm thì không kém trước đâu!” - ông T. cho biết.

Hướng dẫn chúng tôi vào một con rạch ở ấp Bốn Phú, chỉ chiếc ghe đang neo đậu, ông T. nói tiếp: Những chiếc ghe này ban đêm mới hoạt động. Chúng lấy đêm làm ngày. Những chiếc ghe hút cát hoạt động về đêm như thế này luôn có đội quân canh gác cách nơi bơm hút 800m – 1.000m.

Chỉ cần nhận được đèn tín hiệu báo từ đội quân canh gác này, lập tức, những chiếc ghe đang hút cát nhanh chóng thoát vào những nhánh rạch sâu bên trong. Khi lực lượng quản lý đường sông đi qua, chúng tiếp tục hoạt động trở lại.

Đến khu vực sông Đồng Nai vào ban đêm, chúng tôi không đếm xuể những chiếc ghe đang khai thác cát. Anh Kiên, chủ ghe ở quận 9, cho biết: Khai thác cát ban ngày sợ chính quyền bắt nên phải làm ban đêm và những ngày nghỉ, lễ. Vì vậy, rất khó bị phát hiện.

Tại hạ lưu sông Sài Gòn thuộc địa bàn các quận 2, 9, huyện Nhà Bè, Cần Giờ… tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra. Những phương tiện hút cát lén lút tập hợp thành từng nhóm, do những tay “trùm” cầm đầu. Ông Huỳnh Minh Thắng, ngụ phường Long Phước quận 9, bất bình nói: “Cứ vào khoảng 22 giờ trở đi, từng đoàn ghe, sà lan với máy hút công suất lớn hoạt động rầm rộ. Bà con không sao ngủ được vì tiếng máy bơm hút cát ầm ầm suốt đêm”.

Còn người dân khu vực Bến Đình, An Phú… huyện Củ Chi, cho biết, việc khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn được phân chia “ranh giới”, căn cứ vào xã này với xã kia, giữa bờ hữu và bờ tả sông Sài Gòn. Mỗi khúc sông có một đội quân chuyên khai thác cát.

  • Đáp ứng... mọi lúc, mọi nơi

UBND TPHCM vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng phối hợp sở Giao thông – Công chánh, Công an TP, UBND các huyện - quận phường - xã có sông chảy qua địa bàn tổ chức cuộc họp chuyên đề, nhằm bàn những biện pháp, kế hoạch đồng bộ, quyết liệt như giáo dục những đối tượng khai thác, kinh doanh, khai thác cát trái phép, yêu cầu làm bản cam kết, có kế hoạch chuyển đổi ngành nghề, huy động đoàn thể địa phương tăng cường công tác giáo dục, kiểm tra các điểm tập kết cát để bán, chấm dứt việc khai thác cát trái phép, lập lại trật tự kỷ cương...

Chị Nguyễn Thị Chính, có hơn 2.000m2 đất ao trồng sen dựa con rạch Suối Nhum ở khu phố 2, phường Thạnh Xuân (Q12), muốn san lấp ao để xây dựng nhà. Nhờ người mách, chị gặp Tư. Th, một “trùm” san lấp cát. Ngay hôm sau, những ống nhựa phi 20 xuất phát từ một chiếc ghe tam bản lớn có gắn dàn máy bơm hút thổi hai đầu, đậu ngoài đầu vàm con rạch, như con rắn khổng lồ nối nhau “bò đến” tận ao sen của chị Chính. Tiếp theo là những chiếc ghe đầy khẳm cát dập dìu tới lui, rồi tiếng máy nổ liên tục vang lên. Chỉ hơn một ngày, ao sen của chị Chính đã được lấp đầy.

Một cơ sở có “tay nghề” cho biết, cát san lấp phần lớn được hút trái phép từ dưới đáy các sông lớn, như: Sài Gòn, Đồng Nai, Soài Rạp... và một số nhánh phụ lưu. Một đêm, ước tính có hàng ngàn mét khối cát bị hút lên từ lòng sông và được các ghe chuyên chở đi khắp nơi để đáp ứng nhu cầu san lấp, với giá mềm, chỉ hơn 1/2 giá cát xây dựng (30.000 đồng - 40.000 đồng/m3). Vì thế những vùng đầm lầy ở Nhà Bè, Bình Chánh, quận 2, 7, 12... khi san lấp mặt bằng để xây dựng cơ sở sản xuất các doanh nghiệp đều chọn cát thổi từ ghe lên.

Một số tay “trùm” san lấp như Th. ở Nhà Bè, Đ. Th... quận 12, đều có ít nhất năm ba chiếc phà trang bị dàn máy bơm hút, thổi... cắm chốt tại các cửa rạch để chờ “ăn hàng” từ những chiếc ghe cát. Th., đóng chốt trên chiếc phà bơm thổi cát ở cầu Sắt sập (quận 12), chìa ra danh thiếp: “Muốn san lấp diện tích cỡ bao nhiêu cũng đáp ứng đủ, nhưng phải đăng ký trước một tháng. độ này do quản lý riết quá, nhu cầu lại nhiều nên không làm xuể”. Hỏi giá cả, Th. nói, phải đi khảo sát, tùy theo khoảng cách từ ghe đến nơi san lấp, rồi coi luồng lạch có thông suốt không, sau đó mới định được giá.

  • Khai thác bừa bãi-hậu quả khó lường

Khai thác cát bừa bãi là nguyên nhân chính dẫn đến nạn sạt lở bờ sông, nhất là khu vực có nhiều đoạn quanh co, nhiều tàu bè qua lại, như đoạn sông Sài Gòn, Đồng Nai chảy qua địa phận TPHCM (quận 2, 9, Thủ Đức, Bình Thạnh và huyện Nhà Bè, Củ Chi…).

Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Khu Đường sông TPHCM cho biết. “Do việc quản lý và kiểm tra trên các tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai thuộc địa bàn giáp ranh TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai chưa được phối hợp chặt, nên việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép không đạt hiệu quả”. Hậu quả là đất ven sông Đồng Nai, địa phận xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, và đất ven sông Sài Gòn thuộc xã Thanh Tuyền huyện Dầu Tiếng, Tây Ninh liên tục bị sạt lở.

Theo anh Hoàng Quốc Thắng, Phó Thanh tra Giao thông tỉnh Đồng Nai, việc khai thác cát vượt quá độ sâu cho phép là nguyên nhân làm biến đổi dòng chảy, xói mòn bờ sông. Trung tá Trần Thanh Châu, Trưởng phòng CSGT Đường thủy Công an TPHCM, cho rằng cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa lực lượng cảnh sát, chính quyền và nhân dân địa phương, để xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.

Công an địa phương cần thường xuyên theo dõi thống kê, kiểm tra các bãi bốc dỡ, kinh doanh cát, kiên quyết đình chỉ, giải tỏa bến bãi trái phép, lập danh sách các hộ bơm hút cát để quản lý. Người dùng phương tiện bơm hút cát chủ yếu là người lao động nghèo, nên phải giải quyết có tình có lý, giúp họ chuyển nghề, nhưng phải nghiêm trị kẻ cầm đầu, những người cố tình vi phạm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề: Nạn rải đinh trên Xa lộ Hà Nội dai dẳng hàng chục năm, nhưng khi chính quyền và người dân tại chỗ ra tay cùng với sự kiên quyết của TP, đã giải quyết được. Đây là bài học cần được áp dụng trong việc quản lý và kiểm soát tình trạng khai thác cát trái phép trên sông.

NHÓM PV 

Ông Trần Thế Ngọc, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM:
Liên kết với các tỉnh để ngăn chặn khai thác cát bừa bãi.

Trước tình trạng khai thác cát vẫn còn bừa bãi, làm ảnh hưởng đến dòng chảy và có khả năng làm xói lở hai bên bờ sông, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thế Ngọc, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM quanh vấn đề này.

- Thưa ông, sau khi TPHCM và một số tỉnh lân cận đã thống nhất không cho khai thác cát, sở đã làm gì để thực hiện chỉ thị này.

- Sau khi TPHCM ra quyết định cấm khai thác cát trên các tuyến sông, chúng tôi đã thành lập đội kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra các tuyến sông, không cấp phép khai thác cát và đã bắt và xử lý khoảng 20 vụ, trong đó có những vụ khai thác khá lớn. Nhờ các quận - huyện cũng có phòng tài nguyên môi trường nên chúng tôi cũng sẽ thành lập các tổ kiểm tra liên ngành, đeo bám tại địa phương nên sẽ có khả năng kiểm soát hiệu quả hơn.

- Nhưng thực tế khai thác cát lậu vẫn diễn ra?

- Theo tôi biết là giá cát đã tăng sau quyết định không cho khai thác cát trên sông. Tuy nhiên, đây là việc phải làm và Sở Tài Nguyên - Môi trường cương quyết thực hiện đúng quyết định. Không phải vì giá cát lên mà chúng ta lại tiếp tục cho khai thác để làm hỏng môi trường sau này. Nếu cần, vẫn phải mua cát từ các nơi khác về, hoặc thậm chí nhập khẩu cát từ các nước lân cận như một số thông tin hiện nay cho biết.

Chúng tôi cũng biết rằng việc kiểm tra gặp khó khăn do không thể kiểm tra 24/24 giờ trên mặt sông. Đó là chưa kể có những nơi, những địa phương chưa có cơ chế phối hợp, ví dụ bên này không cấp phép, bên kia vẫn cấp phép khai thác. Hoặc trước đây có tình trạng nửa sông bên này không cho khai thác, khi đoàn kiểm tra tới thì họ chạy sang nửa sông bên kia, không làm gì được. Điều này sẽ phải được khắc phục trong thời gian tới.

- Để quyết tâm thực hiện chỉ thị cấm khai thác cát bừa bãi, TPHCM sẽ làm gì trong thời gian tới, thưa ông?

- Tới đây, TPHCM sẽ liên kết với các tỉnh trong khu vực để đồng loạt thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc khai thác cát một cách bừa bãi. Như vậy, trên tất cả các tuyến sông sẽ không cấp phép khai thác cát, đoàn kiểm tra liên ngành được quyền kiểm tra cả hai bên bờ sông nơi giáp ranh, phối hợp với công an đường thủy và Sở Giao thông Công chính TPHCM kiểm tra các bến bãi bên bờ sông…

Tôi xin nhắc lại, chỉ khi nào thực hiện xong đánh giá và quy hoạch tổng thể toàn bộ tuyến sông, có kế hoạch khai thác và bảo vệ cụ thể thì mới có cơ sở cấp phép khai thác cát, còn hiện nay cương quyết không cho khai thác bừa bãi để tránh hậu quả xấu về môi trường sau này.

Trong tương lai, chúng tôi sẽ hỗ trợ một số công trình nghiên cứu, để có thể đưa ra công nghệ xử lý cát biển chẳng hạn, đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật đưa vào sử dụng thay cát sông.

VĂN MINH HOA thực hiện 

Tin cùng chuyên mục