Mặc dù Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đã nỗ lực vận hành xử lý ô nhiễm tại Trạm xử lý nước thải Thọ Quang (quận Sơn Trà) nhưng tình trạng ô nhiễm nơi đây vẫn nghiêm trọng. Trong khi đó, việc bơm xả bể lắng của Trạm xử lý nước thải tập trung rồi đổ ra âu thuyền Thọ Quang đã làm âu thuyền ô nhiễm trầm trọng.
Bị bệnh vì mùi thối
Những ngày qua, mùi hôi thối ở Trạm xử lý nước thải tập trung và âu thuyền Thọ Quang càng trở nên trầm trọng, lan tỏa và bao phủ khắp khu dân cư cùng hàng chục block chung cư cao tầng tại Vũng Thùng khiến người dân hết sức khốn khổ. Thậm chí khu vực khán đài xem trình diễn pháo hoa quốc tế 2012 nằm dọc bên sông Hàn, cách Trạm xử lý nước thải và âu thuyền Thọ Quang hơn 1km vẫn nồng nặc mùi hôi thối.
Chị Huỳnh Thị Cúc (28 tuổi, trú tổ 40 phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) có nhà ở cạnh âu thuyền Thọ Quang và cách Trạm xử lý nước thải tập trung khoảng 500m, cho biết, trong khu dân cư của chị có rất nhiều người già và trẻ em (trong đó có con chị) bị bệnh hô hấp vì hít phải không khí ô nhiễm mấy ngày qua.
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, trưa 19-4, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đã dùng máy nổ sục khí tại hồ nuôi men vi sinh để tăng cường hoạt động xử lý mùi hôi và tiến hành bơm vét bể lắng của trạm. Ngoài ra, công nhân cũng tiến hành gia công ống nhựa sục khí để lắp tăng cường cho hệ thống sục khí ở hồ lên men vi sinh, tăng khả năng lên men của vi sinh. Tại cống dẫn nước từ Trạm xử lý nước tập trung ra âu thuyền Thọ Quang mùi hôi thối cũng xộc lên nồng nặc khiến không ai có thể đứng được ở miệng cống quá 1 phút. Tại đây, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đã cho bơm chế phẩm sinh học liên tục để xử lý mùi hôi nhưng vẫn không hiệu quả.
Ô nhiễm chồng ô nhiễm
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, việc bơm vét bể lắng nhưng lại xả thẳng ra âu thuyền Thọ Quang qua đường cống lộ thiên khiến âu thuyền vốn ô nhiễm nay càng thêm hôi thối. Ông Nguyễn Châu, Tổ trưởng Tổ dân phố 40 (phường Nại Hiên Đông) cho biết: Âu thuyền Thọ Quang vốn đã bị tù đọng và ô nhiễm trầm trọng do chỉ có một cửa duy nhất nay lại thêm việc xả thải trực tiếp của Trạm xử lý nước thải tập trung càng khiến tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng. Hiện nay âu thuyền Thọ Quang bị bồi lấp hơn 1m bùn và bao ni lông không chỉ gây ô nhiễm trầm trọng mà còn khiến tàu thuyền không thể thả neo.
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, cho biết, có một doanh nghiệp đã trình phương án xin nạo vét lòng âu thuyền Thọ Quang để san lấp mặt bằng gần đó nhưng phương án này đang được cân nhắc bởi chưa biết có đảm bảo vệ sinh môi trường nơi san lấp hay không.
Theo ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng, để xử lý tình trạng ô nhiễm, đơn vị quản lý vận hành đã nhập thiết bị từ TPHCM về để tăng cường năng lực sục khí ở hồ sinh học, mặt khác tiến hành cấy men vi sinh trở lại. Sở dĩ xảy ra tình trạng ô nhiễm tại Trạm xử lý nước thải là do sốc tải vì thời điểm này đang vào mùa cá Đông (mùa cá nhiều nhất tại Đà Nẵng) nên các doanh nghiệp trong KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang đang sản xuất tăng công suất dẫn đến lượng nước thải quá lớn gây sốc tải. Bên cạnh đó, công nghệ xử lý nước thải mà Công ty Quốc Việt xây dựng quá lạc hậu vì dùng công nghệ xử lý vi sinh nên khi xảy ra quá tải men vi sinh bị chết và gây ô nhiễm. Trong khi đó, tại TPHCM, việc xử lý nước thải bằng hóa chất nên hiệu quả xử lý triệt để hơn. Tuy nhiên, xử lý bằng công nghệ vi sinh rẻ hơn nhiều (6.000 đồng/m³) so với xử lý bằng hóa chất như ở TPHCM (77.000 đồng/m³).
Ông Nguyễn Điểu cho biết thêm, Đà Nẵng đã duyệt phương án xây dựng trạm xử lý nước thải mới để thay thế cho trạm cũ hiện nay. Trạm mới sẽ được xây dựng cách trạm cũ 1km về phía cửa biển, với công suất 10.000m³/ngày đêm. Giai đoạn 1 là 5.000m³/ngày đêm. Tuy nhiên, trạm xử lý nước thải mới đến cuối tháng 4, đầu tháng 5-2012 mới được khởi công và dự kiến hoàn thành sau 1 năm thi công. Trong thời gian xây dựng trạm mới, trạm xử lý nước thải cũ vẫn phải vận hành để xử lý nước thải tại đây.
Bên cạnh đó, hiện TP Đà Nẵng cũng đồng ý cho 2 doanh nghiệp tiến hành nạo vét bùn thải và rác ở lòng âu thuyền Thọ Quang để giảm thiểu ô nhiễm tại đây.
Nguyên Khôi