Đồng bằng sông Cửu Long

Thời cá tra tạo tỷ phú

Thời cá tra tạo tỷ phú

Có thể so sánh, trong khi người thành phố đang sốt lên vì chứng khoán thì người dân ở ĐBSCL lại mê mẩn với cá tra, cá ba sa: Liên tục nhiều tháng liền giá cá tra đứng ở mức rất cao từ 16.000đ- 17.000đ/kg; có lúc vọt lên 17.300đ/kg -  cao kỷ lục từ trước đến nay. Cá tăng giá, người nuôi lời nhiều đã kéo phong trào nuôi cá tra lên đến “đỉnh điểm”.  Từ Đồng Tháp sang An Giang,  Cần Thơ, Vĩnh Long... người người nuôi cá, nhà nhà nuôi cá, đất đai dọc sông Tiền, sông Hậu nay mắc hơn... vàng.

  • Nông dân lời bạc tỷ nhưng nhà máy khó khăn!
Thời cá tra tạo tỷ phú ảnh 1
Thu hoạch cá tra ở Thốt Nốt, Cần Thơ. Ảnh: H.P.L.

Những ngày đầu tháng 4-2007, chúng tôi trở lại vùng nuôi cá trọng điểm ĐBSCL. Đi từ Đồng Tháp sang An Giang, Cần Thơ… đâu đâu cũng nghe người dân bàn tán chuyện con cá tra “lên đời”; dân nuôi cá hốt bạc tỷ, thấy mà mê. 

Không mê sao được khi giá cá tra tăng ở mức cao chưa từng có và kéo dài hơn một năm nay. Anh Trần Phước Đời, một đại gia nuôi cá ở cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ), hớn hở: “Mấy ngày nay, các nhà máy liên tục hối thúc cân khoảng 400 tấn cá, tính sơ sơ tui bỏ túi hơn 6,8 tỷ đồng”. Không riêng anh Đời mà khắp cù lao Tân Lộc nhộn nhịp chuyện trúng giá cá tra, thu lời bạc tỷ.

Dọc theo sông Bò Ót, từ huyện Thốt Nốt sang huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), hàng loạt hộ nuôi cá rất phấn khởi. Ông Ba Đệ, ở xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, mừng ra mặt: “Tôi vừa xuất hầm được 64 tấn, giá 17.000đ/kg, tổng thu được khoảng 1,1 tỷ đồng; trừ các khoản chi phí như: giống, thức ăn, thuốc, nhân công… còn lời trọn 340 triệu đồng. Dân nông thôn, làm chỉ 4- 5 tháng mà lời như vậy là “số một” rồi, còn mong gì hơn”.

Cạnh đó, ông Bảy To vừa bán 100 tấn cá, thu 1,7 tỷ đồng; ông Võ Văn Ấm, bán 120 tấn, ẵm trên 2 tỷ đồng; anh Lương Văn Dễ bán 50 tấn, thu trên 800 triệu đồng… Ở Thốt Nốt và Vĩnh Thạnh, gần một tháng nay số hộ xuất hầm thu từ 500 triệu đồng đến 1,7 tỷ đồng trở lên nhiều vô kể. Nhiều gia đình từ khó khăn, nợ nần chồng chất nay phút chốc trở thành tỷ phú.

Ở các huyện Châu Phú, Phú Tân, thành phố Long Xuyên, thị xã Châu Đốc (An Giang); Lấp Vò, Hồng Ngự (Đồng Tháp); thị xã Vĩnh Long, Long Hồ (Vĩnh Long)… dân nuôi cá tra cũng “thắng” liên tục từ năm 2006 đến nay. Ông Nguyễn Văn Dũng, ở Châu Phú (An Giang), cho biết: “Nếu giá cá ổn định ở mức này thì chẳng bao lâu dân ĐBSCL giàu lên ngó thấy”.

Tuy nhiên, trong lúc người nuôi trúng đậm kéo dài thì các nhà máy chế biến gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu hoạt động và giá cá đầu vào quá cao. Dù vậy, các doanh nghiệp phải chạy đôn, chạy đáo tìm mua cá để chế biến xuất khẩu theo những hợp đồng đã ký.
 
 Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, tiết lộ: “Hiện tại, 11 nhà máy chế biến thủy sản ở tỉnh cần khoảng 1.000 tấn cá/ngày nhưng không cách nào đáp ứng đủ, mặc dù có lúc nhà máy mua cả cá còn non”. Thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, nói: “Dân mừng nhưng nhà máy thì khó khăn vì không đủ nguyên liệu chế biến. Có lúc phải giảm công suất và tạm cho một số công nhân nghỉ việc”.

  • Được ăn cả, ngã ăn… mày!

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2007, thị trường xuất khẩu cá tra rất tốt. Giá xuất dao động ở mức cao, từ 3,4- 3,6 USD/kg phi lê, từ đó kéo giá cá trong nước tăng theo.
 
Cá được giá đã làm lên phong trào nuôi cá rầm rộ ở ĐBSCL, hàng loạt doanh nghiệp và cá nhân ùn ùn mua đất mở rộng ao nuôi. Dọc theo sông Tiền, sông Hậu, giá đất đai tăng chóng mặt. Tại các xã Tân Hòa, Định Hòa, Vĩnh Thới, Tân Thành… (Lai Vung, Đồng Tháp), đất ven sông trước đây bỏ hoang vì cát sạn hoặc bị sạt lở khi lũ về, kêu bán chỉ 15 - 20 triệu đồng/công mà chẳng ai thèm ngó. Nay nhiều đại gia nuôi cá tranh nhau nâng giá đất lên 150 - 160 triệu đồng/công vẫn không mua được(!?).

Ông Ngô Văn Khiêm, ở xã Vĩnh Thới, khẳng định: “Đất đai bây giờ rớ vào phỏng tay, dân nghèo xứ này không chỉ bán đất ruộng mà bán cả đất vườn, đất nền nhà… cho các đại gia, sau đó vô đồng ở!”. Không chỉ đất đai mà cá tra giống cũng lên “cơn sốt” cá 1,2 phân năm ngoái chỉ 200đ- 300đ/con- nay tăng lên 800đ - 1.000đ/con. Hàng loạt cơ sở sản xuất cá giống ở Đồng Tháp, An Giang… không đủ cung cấp, nhiều nơi bán giống kém chất lượng vẫn có người mua(!?).

Theo ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang: “Lo ngại lớn nhất hiện nay là khắp ĐBSCL đang “bùng nổ” nuôi cá tra. Đặc biệt là không ít hộ nuôi tự phát, thiếu kinh nghiệm và không có hợp đồng tiêu thụ với nhà máy. Do đó, nếu xảy ra chuyện rớt giá thì nông dân sẽ… lãnh đủ”. 

Thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, trăn trở: “Chúng tôi đã khuyến cáo người dân không nên thả nuôi quá nhiều vào lúc này dễ dẫn đến tình trạng dư thừa nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch tới. Tình trạng dội chợ – rớt giá khó tránh khỏi và bà con sẽ chịu thiệt thòi”. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động đỏ. Hệ thống thủy lợi cho việc nuôi cá tra đến nay vẫn còn bỏ ngỏ, chẳng ai đầu tư, tình trạng lấy nước và thải nước bẩn cùng một con kênh đã dẫn đến dịch bệnh tràn lan.

Ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt (thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN), cảnh báo: “Môi trường nuôi cá ngày càng xấu đi, tỷ lệ hao hụt tăng lên khoảng 30% (trước chỉ 5 - 10%) và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Do đó, nếu không quan tâm xử lý cấp bách thì hậu quả sẽ khó lường”.

Ai cũng thừa nhận, cá tra, ba sa là thế mạnh và nguồn lợi lớn ở vùng nước ngọt ĐBSCL. Diện tích lẫn sản lượng đều phát triển nhanh vượt ngoài tầm quản lý của ngành chức năng, tuy nhiên nhìn lại vẫn thiếu yếu tố vững bền. Đến nay, việc liên kết “4 nhà” rất lỏng lẻo. Quan hệ giữa người nuôi và doanh nghiệp vẫn mạnh ai nấy làm. Cá được giá thì nông dân bội tín, bất chấp đã ký hợp đồng, ngược lại cá rớt giá thì doanh nghiệp ra sức “làm mình làm mẩy” trả đũa, Nhà nước lại chưa có biện pháp quản lý và can thiệp kịp thời.

Trong lúc ngành chức năng loay hoay với hàng loạt việc như quy hoạch, xử lý môi trường, diện tích, sản lượng… thì người dân từ An Giang đến Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long đến những tỉnh giáp biển như Bến Tre, Sóc Trăng… đang ào ạt nuôi cá tra, sau đó phập phồng… chờ giá.

Nói như ông Ba Đệ, ở Thốt Nốt (Cần Thơ), chuyện nuôi cá bây giờ “may nhờ- rủi chịu”, đã phóng lao thì phải theo lao, được ăn cả, còn ngã thì đi ăn… mày(!?).  

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục