Hơn chục năm trước, thị trường băng đĩa nhạc chính hãng chao đảo vì vấn nạn băng đĩa in sang trái phép hoành hành. Đến vài năm trở lại đây, khi người sử dụng vi tính ngày càng nhiều, internet trở nên quen thuộc, chỉ cần một vài thao tác đơn giản, ai cũng có thể vào các trang nhạc online để nghe và tải nhạc miễn phí. Điều này khiến thị trường băng đĩa nhạc (cả chính hãng lẫn loại in sang trái phép) tồn tại thoi thóp.
- Nhạc online áp đảo
Hiện nay, chẳng có nhà sản xuất nào dám bỏ tiền đầu tư phát hành băng đĩa nhạc vì cầm chắc lỗ đến 100%. Tính thử, chi phí đầu tư trung bình cho một chương trình audio, quay hình có kinh phí từ 100 - 300 triệu đồng nhưng vừa phát hành hôm trước thì hôm sau đã có đĩa lậu sao chép trên thị trường. Vấn nạn băng đĩa lậu hoành hành đã khiến các hãng băng đĩa rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, một số hãng băng đĩa thích nghi với hoàn cảnh bằng việc chuyển sang làm dịch vụ phát hành album cho ca sĩ để duy trì hoạt động.
Tại chợ băng đĩa Huỳnh Thúc Kháng, phần lớn khách hàng chọn mua đĩa phim các loại của Mỹ, Hồng Công, Hàn Quốc... còn CD, VCD ca nhạc lại ít được khách mua hàng dòm ngó tới. Chị L. chủ một tiệm băng đĩa ở đường Trần Hưng Đạo, quận 5 cho biết: “Đĩa nhạc bán chậm lắm, đĩa MP3 cũng chẳng ai làm nữa vì cứ lên mạng là có đầy nhạc để nghe. Chỉ có một vài chương trình ca nhạc của hải ngoại còn chạy được. Bán nhiều nhất vẫn là phim lẻ, phim bộ…”.
Âm nhạc trực tuyến có mặt tại Việt Nam từ trước năm 2005, rồi nở rộ như nấm mọc sau mưa và ngày càng được các nhà kinh doanh mạng liên tục nâng cấp chất lượng dịch vụ. Khi xu hướng người người sử dụng vi tính, nối mạng internet ngày càng nở rộ, đã tạo nên thói quen nghe nhạc, tải nhạc trên mạng miễn phí của cộng đồng mạng.
Bạn M.T., cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế, chia sẻ: “Nhiều trang web luôn cập nhật nhanh chóng những bài hát, đĩa nhạc mới của ca sĩ, giúp giới trẻ dễ dàng nghe và tải về máy cá nhân, vậy thì mua đĩa làm gì cho tốn tiền? Tôi nghĩ, chất lượng nhạc đĩa hay nhạc mạng cũng vậy, ăn thua do người nghe tải về và sử dụng loại máy gì để nghe”.
Một người trong nghề cho biết thêm, những trang web nhạc lớn luôn có những phần mềm để chỉnh lý lại, cho phép nén các định dạng âm thanh đạt chất lượng cao, giúp các bài hát đăng tải trên mạng hay không thua kém như đang nghe trên đĩa. Chính sự chênh lệch không nhiều về âm thanh giữa nhạc đĩa và nhạc số là lý do khiến nhà sản xuất băng đĩa trong nước không còn đường kinh doanh.
Đặc biệt, xu hướng ca sĩ bỏ tiền ra làm một clip nhạc hoặc thu vài bài “phóng” lên mạng mà không phải tốn nhiều chi phí đang rất được ưa chuộng. Đưa bài hát lên mạng là nhu cầu có thực, giúp không ít ca sĩ, nhạc sĩ trẻ nổi tiếng chỉ trong vòng một tuần mà không cần phải xin cấp phép, bị kiểm tra, thẩm định nội dung, chất lượng nghệ thuật… Bản chất dễ dãi của quy trình đăng tải nhạc mạng còn là nguyên nhân tạo điều kiện thuận lợi cho không ít bài hát nhạc nhảm nhí, nhạc thảm họa phát tán, lan truyền nhanh đến chóng mặt.
Chính vì thị trường âm nhạc bão hòa, ca sĩ trẻ, nhạc sĩ trẻ xuất hiện ào ạt lại phát triển theo xu hướng thừa chiêu thiếu chất, các sáng tác mới sống lây lất vì tác giả yếu tay nghề, thị trường băng đĩa lậu hoành hành công khai khiến các nhà sản xuất băng đĩa chân chính điêu đứng… Tất cả đã góp sức cho nhạc online tồn tại, phát triển trong nhiều lợi thế: thao tác đơn giản, cập nhật nhanh, lan truyền rộng, có tầm ảnh hưởng lớn và miễn phí.
- Thắt chặt quản lý mạng
Những năm gần đây, vấn đề tác quyền và quản lý nội dung trên các trang web âm nhạc luôn là đề tài nóng hổi, gây nhiều bức xúc trong dư luận nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ và có biện pháp xử lý nghiêm những trang web vi phạm.
Bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), Giám đốc Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông nhận định: “Nhạc online không những giết chết những nhà sản xuất băng đĩa chính thống mà còn ảnh hưởng cả thị trường băng đĩa lậu. Đây là quy luật về truyền thông phát triển, xuất hiện không chỉ riêng ở nước mình mà có mặt ở nhiều nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, xu hướng, trào lưu này xuất hiện, tồn tại và được các nước tôn trọng nghiêm túc việc thực thi luật bản quyền, giúp các nhà sản xuất băng đĩa chuyển sang kinh doanh nhạc với mạng online, mà như thế, lợi nhuận thu về có khi bằng hoặc thậm chí còn khá cao.
Trong khi đó, tại Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ không được chấp hành nghiêm chỉnh. Hiện nay có rất nhiều mạng sử dụng nhạc nhưng người chấp hành mua bản quyền chưa đến 1/4. Nhà sản xuất trước đây bị thiệt thòi, ảnh hưởng vì băng đĩa lậu thì nay, sự thiệt thòi, mức độ ảnh hưởng nặng nề hơn bởi internet lan truyền rộng rãi hơn, tinh vi hơn”.
Trong khi luật siết chặt quản lý cấp phép các chương trình ca nhạc, phát hành băng đĩa nhạc chính thống nhưng lại bó tay trước vấn nạn băng đĩa lậu và thả nổi việc phát hành album trên mạng âm nhạc trực tuyến, đã tạo nên một vị thế chông chênh trong quá trình hoạt động và phát triển âm nhạc cả nước. Quan trọng hơn là để lọt không ít sản phẩm âm nhạc độc hại phổ biến rộng khắp trên các trang web nhạc, làm lệch lạc thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần người dân.
THÚY BÌNH