(SGGPO). – Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25-5-2012.
Trong nghị định 24, ngoài việc khẳng định quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Nghị định cũng nêu rõ, thời gian chuyển tiếp để đăng ký lại sản xuất, mua-bán vàng là 12 tháng.
Cụ thể, về điều khoản chuyển tiếp, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định 24 có hiệu lực (25-5-2012), các tổ chức đang họat động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện đăng ký kinh doanh lại với cơ quan đăng ký kinh doanh và hoàn tất thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định; các tổ chức đang họat động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện đăng ký kinh doanh lại. Ngân hàng nhà nước quy định thời gian, thủ tục chuyển tiếp đối với các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đang kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Cũng theo Nghị định này, Ngân hàng Nhà nước được bổ sung vàng miếng vào dự trữ ngoại hối Nhà nước; thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng thông qua các biện pháp: xuất-nhập khẩu vàng nguyên liệu theo quy định; tổ chức và sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức thực hiện sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ; thực hiện mua-bán vàng miếng trên thị trường trong nước và tổ chức huy động vàng theo quy định của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước cũng chịu trách nhiệm cấp, thu hồi các loại giấy phép về sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu vàng; tổ chức thanh tra các họat động trong lĩnh vực thị trường vàng.
LÂM NGUYÊN