Thời gian đã tính hưởng chế độ bệnh binh, có được tính để hưởng hưu trí?

* Ông CAO VĂN SANG,

* Từ năm 1976 - 1987, tôi lần lượt công tác tại các trại cải tạo thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, Hà Sơn Bình, Sông Bé. Tháng 11-1987, tôi về Công an quận 3. Năm 1993, do mất sức lao động, tôi nghỉ hưởng chế độ bệnh binh 45% cho đến nay. 18 năm trong ngành, tôi có 12 năm trên rừng núi, mỗi năm ở đó tôi có được cộng thêm mấy tháng để được hưởng chế độ hưu trí không? (Phạm Thị Lanh, quận 3)

* Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM: Tại điểm c khoản 1 Điều 23 Nghị định 115/2015 của Chính phủ quy định: Người đang hưởng trợ cấp bệnh binh, sau đó có thời gian tham gia công tác và đóng BHXH thì ngoài chế độ bệnh binh còn được hưởng chế độ BHXH. Thời gian tính hưởng BHXH là thời gian đã đóng BHXH, thời gian công tác tính hưởng chế độ bệnh binh không được tính để hưởng BHXH.

Với trường hợp của bà, thời gian công tác trong ngành công an từ năm 1976 đến năm 1993 đã được tính hưởng chế độ bệnh binh hàng tháng với tỷ lệ mất sức lao động 45% nên thời gian này không được tính để hưởng chế độ hưu trí.

* Tôi đi bộ đội từ năm 1974 và năm 1981 phục viên. Lúc đó tôi nhận được mấy tháng tiền gạo (mỗi tháng 24 đồng). Năm 1994, tôi quay lại ngành, tham gia lao động hợp đồng, không quân hàm, quân hiệu và làm việc đến nay. Năm 2017 tôi sẽ về hưu. Vậy thời gian 1974-1981 có được cộng là thời gian đóng BHXH không? (Hoàng Văn Ký, quận 2)

* Theo khoản 2 Điều 23 Nghị định số 115/2015, quân nhân phục viên, xuất ngũ trước ngày 15-12-1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia BHXH bắt buộc mà không hưởng chế độ trợ cấp theo các quyết định của Thủ tướng đối với thời gian tham gia quân đội thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội trước đó với thời gian công tác có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH.

Trường hợp xuất ngũ, phục viên, chuyển ngành trước 15-12-1993, sau đó làm việc tại cơ quan, đơn vị, xí nghiệp nhà nước rồi nghỉ việc hưởng trợ cấp 1 lần trước tháng 1-1995, trong đó đã tính thời gian tham gia quân đội hoặc trường hợp tự ý bỏ việc trước tháng 1-1995 thì toàn bộ thời gian công tác trước khi nghỉ việc hoặc bỏ việc, kể cả thời gian tham gia quân đội không được tính để hưởng BHXH.

Như vậy, nếu ông chưa được giải quyết chế độ trợ cấp theo Quyết định số 142/2008 ngày 27-10-2008 của Thủ tướng về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương và ông không thuộc trường hợp tự ý bỏ việc hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp 1 lần trước tháng 1-1995 mà đã tính cả thời gian tham gia quân đội, thì thời gian từ năm 1974 -1981 của ông được tính cộng nối.

* Tôi vào ngành công an từ tháng 1-1979, công tác tại Công an quận 11. Tháng 8-1989, tôi nghỉ. Từ tháng 11-1989 đến nay, tôi làm việc tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 5. Thời gian trong ngành công an có được tính hưởng BHXH không? (Nguyễn Văn Nhân, quận Bình Tân)

* Theo Nghị định số 115/2015, trường hợp công an nhân dân thôi việc trước ngày 15-12-1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia BHXH bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế… thì được cộng nối thời gian công tác trong công an trước đó với thời gian công tác có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH.

Ông cần cung cấp các giấy tờ, quyết định có liên quan đến thời gian công tác trong ngành công an từ tháng 1-1979 đến tháng 8-1989 và nộp hồ sơ tại BHXH quận 5 để được xem xét giải quyết tính cộng nối thời gian công tác hưởng BHXH.

 Bạn đọc có thể gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; điện thoại 0914 446618 hoặc email: duongloan@sggp.org.vn.

Tin cùng chuyên mục