Mới chỉ 2 tháng đầu năm mà thời tiết đã có nhiều dấu hiệu rất khắc nghiệt, khi thì rét đậm, lúc lại nắng nóng trái mùa, nhiều nơi bắt đầu khô hạn trên diện rộng… không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt của người dân mà còn đang là nỗi lo làm thiệt hại về mùa màng trên cả nước.
Dấu hiệu bất thường
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tính từ tháng 1-2010 đến nay, cơ bản vẫn là mùa đông nhưng nhiệt độ lại cao hơn trung bình nhiều năm, nhiều đợt nắng nóng xảy ra. Thậm chí ngay cả khu vực phía Tây Bắc bộ, vài ngày gần đây còn có nắng nóng lên tới 33-34°C, trời oi bức.
Tính chung cả nước, nhiệt độ trung bình đã cao hơn mọi năm từ 1-2°C. Trong đó, lo lắng nhất là với nông dân miền Bắc, miền Trung, khi lượng mưa ít, nước trên các sông đều cạn kiệt thì lúa sẽ không có đủ sức để sinh trưởng, khả năng mất mùa đang rình rập. Ngoài ra, khô hạn còn đang đe dọa nguy cơ cháy rừng.
Trong khi đó, theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong những tháng 3, 4 và 5-2010, nền nhiệt độ trong cả nước còn tiếp tục ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 1-2°C. “Nhiều khả năng sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng gay gắt sớm ngay từ đầu tháng 3”- ông Tăng nói.
Trong khi đó, lượng mưa lại thấp hơn mức TBNN từ 20%-50%, khiến mực nước trên các sông, hồ đều khô hạn. Đặc biệt, ở miền Bắc, mực nước sông Hồng trong những ngày qua đã xuống mức chỉ còn có 10cm - tương đương mực nước biển, liên tiếp phá các kỷ lục khô hạn. Các hồ đầu nguồn, hồ thủy điện cũng khan thiếu nước trầm trọng.
Ông Tăng cho rằng, tình trạng khô hạn trên cả nước như hiện nay là do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino và biến đổi khí hậu.
Nguy cơ mất mùa
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) Bùi Sỹ Doanh cho biết, qua giám định các mẫu lúa ở một số điểm thuộc các tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Thái Bình... đều có triệu chứng điển hình của bệnh lùn sọc đen phương Nam.
Bên cạnh đó, các loài rầy hại lúa cũng đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành như Nam Định, Hải Phòng... Đặc biệt, nhiều loại bệnh hại lúa lần đầu tiên xuất hiện tại các tỉnh phía Bắc với diễn biến phức tạp và lây lan rất nhanh. Hiện đã có 18 địa phương thuộc vùng Bắc Trung bộ, đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc xuất hiện lúa nhiễm bệnh, với tổng diện tích bị thiệt hại nặng lên tới trên 30.000ha.
Còn Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) thì cho biết, do khô hạn nặng nên năm nay, diện tích gieo cấy lúa đã giảm khoảng 9.000ha so với năm trước, sản lượng lúa có thể sẽ giảm khoảng 70.000 tấn.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát vừa triệu tập tổ chức hội nghị “nóng” để bàn giải pháp chống nắng nóng và khô hạn trên cả nước. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa cho phép áp dụng chính sách hỗ trợ phòng, trừ bệnh hại lúa trên phạm vi cả nước. Thời gian hỗ trợ là từ nay đến hết năm 2010. Theo đó, ngân sách trung ương sẽ chi 100% kinh phí mua thuốc bảo vệ thực vật để phòng, trừ dịch bệnh hại lúa.
Bên cạnh đó, hỗ trợ 12kg gạo/người/tháng để cứu đói cho các hộ nông dân bị thiệt hại do dịch bệnh trên lúa gây ra, thời gian hỗ trợ tối đa là 6 tháng... Đồng thời, mức hỗ trợ cho các hộ nông dân ở các địa phương phía Nam, gồm từ Đà Nẵng trở vào, có diện tích lúa bị tiêu hủy do nhiễm bệnh là 4 triệu đồng/ha.
PHÚC VĂN
Nguy cơ cháy rừng ở ĐBSCL đang căng thẳng. Tại Kiên Giang, tính đến chiều 24-2, Vườn quốc gia Phú Quốc và các khu vực lân cận với khoảng 37.000ha, 2 huyện Hòn Đất và Kiên Lương, khoảng 16.000ha rừng tràm đối mặt nguy cơ cháy cấp 4. Tại Cà Mau, toàn bộ diện tích rừng tràm hơn 37.000ha đang nằm trong tầm ngắm của “bà hỏa”. Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khẳng định: Trước nguy cơ cháy rừng ngày càng đè nặng, UBND tỉnh vừa quyết định “đột xuất” tăng thêm 200.000 đồng/người/đợt cho lực lượng giữ rừng (ngoài chế độ bồi dưỡng theo quy định). H.LỢI |
*****
- Thông tin liên quan:
>> Đồng bằng sông Cửu Long: Dồn sức chống hạn và xâm mặn