Bão số 1 đã tan nhưng việc đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung bộ và Đông Nam bộ ngay từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm nay đã biểu hiện sự khác thường của thời tiết trong 40 năm qua. Trao đổi với PV Báo SGGP chiều qua 2-4, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, cho biết: “Hiện nay bão và áp thấp nhiệt đới đang có những sự biến đổi dị thường so với quy luật trước kia”.
- PV: Trước đây, vào đầu năm các cơn bão thường đổ bộ vào các tỉnh Bắc bộ hoặc Bắc Trung bộ, rồi về cuối năm mới chếch dần xuống Nam Trung bộ và Nam bộ, thậm chí vài năm gần đây ít khi vào Nam bộ. Tại sao bão số 1 lại đổ vào Nam bộ ngay từ đầu năm?
Ông LÊ THANH HẢI: Thông thường phải từ tháng 5 trở đi bão mới xuất hiện trên biển Đông hoặc từ ngoài khu vực Thái Bình Dương đi vào biển Đông rồi đổ bộ vào khu vực phía Bắc. Sau đó, từ tháng 8-9 trở đi, bão mới nghiêng về phía Nam. Năm nay bão số 1 đã xuất hiện từ khá sớm, vào những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Trước đó, vào trung tuần tháng 2 vừa qua trên biển Đông đã xuất hiện một áp thấp nhiệt đới, cũng ở ngay khu vực Nam biển Đông nhưng không đi vào nước ta. Như vậy là từ tháng 2 năm nay đã có áp thấp nhiệt đới và sang tháng 3 thì phát triển lên thành bão số 1.
Do xuất hiện quá sớm nên bão số 1 được hình thành theo quy luật bão của mùa đông hàng năm, tức là xuất hiện ở Nam biển Đông nhiều hơn và thường đi về phía Tây, hoặc Tây Nam nên ảnh hưởng tới miền Nam nước ta.
- Bão đầu năm thường đi vào các tỉnh phía Nam có phải là do vào thời điểm này ở miền Bắc thường xuyên có không khí lạnh tràn về nên đẩy bão vào phía Nam?
Không phải do không khí lạnh ở miền Bắc mà là do thời kỳ này thường có một lưỡi áp cao cận nhiệt đới khống chế ở khu vực Trung bộ nên làm cho bão đi về phía Tây và ảnh hưởng tới Nam bộ hoặc Nam Trung bộ nhiều hơn. Trong một số trường hợp bão lại ngoặt lên phía Bắc, như bão số 1 trên đường đi về phía Tây có ngoặt một chút sang Tây Tây Bắc khi đi vào Đông Nam bộ, ảnh hưởng tới các tỉnh Bình Dương, Bình Phước rồi lên Đắc Nông, Đắc Lắc.
- Như vậy, từ tháng 5 trở đi bão sẽ đổ vào đâu nhiều hơn?
Từ tháng 5 là mùa trung tâm của bão thì bão sẽ có khuynh hướng đổ vào miền Bắc nhiều hơn, ít khi đổ vào miền Nam.
- Bão số 1 xuất hiện ngay từ đầu năm chứng tỏ thời tiết đang có diễn biến bất thường?
Những kết quả quan trắc về bão những năm gần đây cho thấy bão có biểu hiện xuất hiện sớm hơn và thường kết thúc muộn hơn so với quy luật. Tuy nhiên, số lượng cơn bão không tăng lên đáng kể. Bão xuất hiện muộn cũng có khả năng đi vào các tỉnh phía Nam nhiều hơn. Trong năm 2011, tới tháng 12 vẫn còn xuất hiện bão Washi quét qua phía Nam của Philippines, gây ra trận lũ lớn, làm ít nhất 400 người chết và mất tích. Sau đó, bão vào biển Đông, trở thành cơn bão số 7 nhưng không gây ảnh hưởng tới nước ta. Trong khi hàng năm, vào thời điểm này biển Đông ít khi có bão. Ngoài ra, trong tháng 11 và 12-2011 cũng xuất hiện hai đợt áp thấp nhiệt đới ở khu vực Nam biển Đông.
- Trong lịch sử khí tượng, có cơn bão nào như bão số 1 không?
Bão số 1 được hình thành từ một áp thấp nhiệt đới vào trưa 26-3 vừa qua ở ngay vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa. Đến sáng sớm 29-3, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, đây là cơn bão đầu tiên hoạt động trên biển Đông và có tên quốc tế là Pakhar. Đây là lần thứ hai trong lịch sử 40 năm qua của ngành khí tượng phát hiện bão sớm đổ vào nước ta.
- Năm nay, dự báo có khoảng bao nhiêu cơn bão sẽ vào nước ta?
Chúng tôi vừa đưa ra bản dự báo chính thức về tình hình mưa bão và lũ lụt năm 2012. Theo đó, năm nay bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông có khả năng nhiều hơn trung bình nhiều năm và xuất hiện sớm hơn so với quy luật hàng năm. Có khả năng từ 6 - 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (cao hơn so với trung bình nhiều năm và nhiều hơn so với năm 2011) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.
Phúc Hậu thực hiện
Ông Hoàng Minh Giám, Phó Giám đốc Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết: “Trong khoảng 2 năm trở lại đây, thời tiết diễn biến khó lường, cực đoan và khó dự đoán hơn trước rất nhiều. Đặc biệt, có những cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam bộ như ATNĐ ảnh hưởng đến tỉnh Sóc Trăng vào tháng 1-2010. Trung tuần tháng 2-2012, cũng có một cơn ATNĐ được hình thành trên biển Đông nhưng không đi vào đất liền”. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, tại Nam bộ, xuất hiện các đợt nắng nóng bất thường và những cơn mưa trái mùa gây thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân.
T.Hân