Thông báo tuyển dụng “mọc” khắp các ngả đường

Tình trạng thiếu lao động vào những ngày đầu năm không chỉ diễn ra ở các KCN-KCX mà còn đang diễn ra ở các cơ sở dịch vụ kinh doanh nhỏ, kinh tế hộ gia đình (gọi chung là kinh tế gia đình). Trong năm 2007, TPHCM cần khoảng 60.000 lao động cho các cơ sở này nhưng các trung tâm giới thiệu việc làm (TT GTVL) cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu.

Tuyển rồi... dạy

Các cơ sở dịch vụ, kinh doanh nhỏ thường sử dụng hình thức đăng tuyển nhân viên bằng 1 bảng nhỏ treo trước cửa tiệm. Trên tuyến đường Trần Quang Khải (quận 1), có đến 34 bảng đăng tuyển nhân viên. Hầu hết các tiệm đều tuyển không dưới 2 lao động, nhưng cũng có tiệm cần cả chục nhân viên. Anh Đoàn Nhật, chủ shop thời trang trên đường này cho hay, tiệm của anh cần tuyển 4 thợ ráp đồ kiểu, may đầm. Anh đã treo bảng tuyển người từ hơn tháng nay, đến giờ vẫn chưa tuyển đủ.

Từ trước tết, 3 nhân viên của anh đã nghỉ làm, về quê lấy chồng. Anh nói đùa: “Shop thời trang, chủ yếu là nhân viên nữ từ các tỉnh đến làm. Lúc họ về quê lấy chồng, họ cũng “bỏ cuộc chơi” luôn. “Ngửi” thấy mùi mất nhân viên, tôi đã cho đăng tuyển từ trước tết. Cũng có hơn 20 người đến nhưng tay nghề của họ chưa cao. Bây giờ, đồ khá nhiều, thiếu nhân viên thì tôi không thể xoay sở được nên tôi vẫn để biển đó.” Một tiệm ảnh trên đường Lý Chính Thắng (quận 3) cần tuyển 3 thợ biết photoshop nhưng gần 3 tuần nay cũng chưa tuyển được.

Dọc các tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu, 3 Tháng 2, Rạch Bùng Binh, Nguyễn Trãi… hai bên đường đều “trắng” bảng tuyển nhân viên. Một tiệm gội đầu trên đường Rạch Bùng Binh (quận 3), còn đăng tuyển cả thợ phụ gội đầu… chưa biết nghề. Chị Thu Uyên cho biết: “Thợ có tay nghề bây giờ khó tìm lắm! Tôi tuyển người chưa biết nghề rồi về dạy dần cũng được. Ngoài treo bảng, tôi còn đăng tuyển trên báo, nhưng cả tuần nay vẫn chưa kiếm được người.”

Sau Tết, thường diễn ra tình trạng lượng học sinh từ các tỉnh đến ôn thi đại học nên các cửa hàng photocopy cũng rất “khát” thợ photocopy. Tại các cửa hàng photo trước cổng các trường ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Bách Khoa, ĐH Tôn Đức Thắng đều treo bảng tuyển thợ.

Thiếu do tâm lý người lao động

TT GTVL TP (Sở LĐTB-XH TPHCM) hàng ngày nhận được từ 30-40 nhu cầu về lao động từ các shop thời trang, tiệm uốn tóc, tiệm ảnh,… Có ngày cao điểm như trước tết, trung tâm nhận đến 100 yêu cầu nhưng cũng chỉ đáp ứng được cao nhất 60%. Ông Nguyễn Văn Sang, Trưởng phòng TT GTVL Thanh niên (Thành Đoàn TPHCM) cho biết, nhu cầu lao động cho khu vực kinh tế gia đình cũng chiếm khoảng 20% trong tổng số 15.000 nhu cầu tuyển dụng hàng năm tại trung tâm.

Và, cũng rất khó để đáp ứng đủ nhu cầu trên. Đó cũng là lý do khiến lao động ra lò từ các trường dạy nghề… đắt như tôm tươi. Ông Trần Thế Vinh, GĐ Trường dạy nghề Thanh niên cho biết, hàng năm, khoảng 1.400 học viên công nghệ thông tin ra trường đều có việc làm ngay. Còn tại Trung tâm dạy nghề quận 1, các lớp dài, ngắn hạn về trang điểm, nấu ăn, đồ họa… luôn thu hút đông đảo các bạn trẻ.

Năm 2007, TPHCM cần khoảng 250.000 lao động cho các khu vực kinh tế. Trong đó, 75.000 lao động phân bổ vào khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước; 80.000 lao động vào các KCN-KCX và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 35.000 người cho các doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần có vốn nhà nước và cần khoảng 60.000 lao động vào khu vực kinh tế gia đình… Các công việc chủ yếu như: phục vụ ăn uống, du lịch, bán hàng, tiếp thị, trang điểm, làm photoshop…

 Theo đánh giá chung của các chuyên gia lao động, các hộ gia đình phải nhao lên tìm kiếm lao động, ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng chung của tình trạng thừa- thiếu lao động có tay nghề tại thành phố thì các vấn đề về tiền lương, điều kiện, thời gian làm việc… của lao động tại các gia đình cũng “thượng vàng hạ cám”. Đa phần lao động và chủ tiệm chỉ “ký kết miệng” với nhau mà không có hợp đồng lao động, nhân công làm việc lại không được đóng bảo hiểm xã hội. Lương thưởng bấp bênh, phụ thuộc vào “buôn may bán đắt” của chủ tiệm và thường phải làm việc quá giờ.

Theo bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động Tiền lương- Tiền công (Sở LĐTB-XH TPHCM), người lao động thường ít chọn làm việc trong khu vực kinh tế gia đình vì tâm lý việc làm, tâm lý xã hội. Làm việc tại các gia đình, đồng nghĩa chấp nhận là “vô danh tiểu tốt”. “Công tác thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh nhỏ thời gian qua cũng chưa tốt do chưa có hệ thống “chân rết” của lực lượng thanh tra. Thời gian tới, khi có sự mở rộng của lực lượng này, công tác thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh nhỏ về sử dụng lao động sẽ được làm tốt hơn. Người lao động sẽ yên tâm hơn khi làm việc, giảm bớt tình trạng thiếu lao động tại khu vực kinh tế này.”- bà Dân cho biết thêm. 

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục