Theo tính toán của Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ, sau khi hoàn chỉnh đường dẫn nối vào trục đường Nguyễn Văn Linh, mỗi ngày có trên 30.000 ô tô lưu thông qua khu vực này. Với lượng xe như vậy, sau khi cầu Phú Mỹ thông thoáng, đại lộ Nguyễn Văn Linh và khu Phú Mỹ Hưng sẽ đối mặt với tình trạng kẹt xe, ô nhiễm.
Sau khi tuyến đường vành đai 2 xây dựng hoàn chỉnh, lượng xe từ các tỉnh miền Trung, miền Đông đi về các tỉnh miền Tây phần lớn phải qua đường Nguyễn Văn Linh. Tức là, khi xe qua khỏi cầu Đồng Nai vào hướng TPHCM đến ngã tư Bình Thái qua cầu Rạch Chiếc mới, chạy tiếp, sau đó qua cầu Phú Mỹ thông suốt vào đường Nguyễn Văn Linh. Như vậy, đường vành đai 2 là tuyến đường xương sống, nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nội đô, cũng đồng thời là tuyến đường quan trọng thứ hai lưu thông đi miền Trung - miền Đông - miền Tây và ngược lại.
Mặt khác, theo hệ thống cầu đường đang thi công, đoạn cuối của đoạn cầu vượt Phú Mỹ sẽ giao cắt với ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Lương Bằng, dự kiến ngày 1-4-2010 sẽ hoàn tất. Đoạn đi tiếp theo hướng về miền Tây đang có hàng chục ngã tư, đặc biệt đoạn đi qua trung tâm của khu đô thị Phú Mỹ Hưng có những ngã tư giao nhau với khoảng cách rất gần (khoảng 100 - 200m/nút cắt giao). Như vậy, lượng xe trên về cơ bản đổ dồn vào đại lộ Nguyễn Văn Linh. Chính nút giao thông quá gần nhau sẽ dẫn tới tình trạng ùn tắc.
Ngoài ra, đại lộ Nguyễn Văn Linh sẽ “đón” thêm luồng xe tải, xe container rất lớn từ khu đô thị cảng Hiệp Phước, thông qua trục đường Nguyễn Hữu Thọ. Hệ thống giao thông sau khi hoàn thành sẽ kết nối với nhau, lúc đó đại lộ Nguyễn Văn Linh sẽ trở thành tuyến giao thông huyết mạch của khu Nam. Như vậy, phương tiện giao thông đông đúc sẽ “xẻ đôi” khu đô thị Phú Mỹ Hưng!
Một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, trong quá trình quy hoạch các khu đô thị, TPHCM chưa tiên đoán hết các tình huống và có giải pháp nhằm hạn chế những bất cập xảy ra.
Về nguyên tắc, các khu đô thị không được nằm sát đường vành đai (đường chủ yếu cho xe tải, xe tải nặng lưu thông). Khoảng cách giữa khu dân cư và đường vành đai tối thiểu phải 100m và được xây tường chắn cách ly chống ồn, cây xanh, công viên. Trong khi đó, tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nhiều khu vực nhà cửa lại được quy hoạch nằm sát đường, phải hứng chịu tiếng ồn, khói bụi và tình trạng kẹt xe.
TPHCM đã quy hoạch xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh (nằm trong một phần của vành đai số 2) từ những năm 1990. Nhưng do hạn chế về nguồn vốn nên đã kêu gọi đầu tư, sau đó Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng đã được chọn đầu tư tuyến đường và đổi lại TP trả đất dọc đại lộ để xây dựng khu dân cư. Tuy nhiên, khu đô thị Phú Mỹ Hưng lại thiếu những bức tường chắn chống ồn cũng như những dải công viên ngăn cách.
Mặt khác, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cùng chung nhận định, sắp tới việc ùn tắc giao thông đoạn đi qua khu đô thị Phú Mỹ Hưng là điều khó tránh khỏi. Nhằm khắc phục tình trạng này, về lâu dài TP phải xây dựng các nút giao cắt khác mức, tức là cầu vượt hoặc hầm chui đi ngay những ngã ba, ngã tư cắt ngang đại lộ Nguyễn Văn Linh.
QUỐC HÙNG - LƯƠNG THIỆN