Tổng thư ký Quốc hội vừa ký thông báo về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025. Đây là kế hoạch đợt ba, dành cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp thứ 14 (tháng 8-2022).
Đối với các vấn đề cụ thể, UBTVQH thống nhất giao kế hoạch vốn cho 3 dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, số tiền 78.307,587 tỷ đồng; đó là: Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM.
Trong đó, điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí cho Bộ GTVT 31.396 tỷ đồng giao về Hà Nội, TPHCM và các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An để thực hiện 3 dự án quan trọng quốc gia theo các Nghị quyết số 44/2022/QH15, số 56/2022/QH15 và số 57/2022/QH15 của Quốc hội.
Chính phủ chịu trách nhiệm về sự cần thiết của dự án đầu tư, hiệu quả của việc điều chỉnh, tăng, giảm kế hoạch vốn giữa các dự án, đồng thời báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Kết luận cũng yêu cầu Chính phủ khẩn trương rà soát, tổng hợp danh mục, phương án phân bổ vốn cho từng dự án và phương án phân bổ số vốn còn lại của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo UBTVQH cho ý kiến để sớm hoàn thành việc phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh nội dung nêu trên, UBTVQH cũng đã thống nhất kết luận về đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Kết luận nêu rõ, UBTVQH đánh giá cao Chính phủ và các cơ quan đã khẩn trương nghiên cứu, rà soát Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội tổ chức thẩm tra; đã nêu rõ một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện các chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật.
UBTVQH thống nhất về sự cần thiết khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, thực hiện yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Để bảo đảm chất lượng xây dựng dự án luật, UBTVQH đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện nội dung các chính sách trong đề nghị xây dựng luật, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Đồng thời, cần nghiên cứu, rà soát, đề xuất các chính sách nhằm khắc phục được những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đã được chỉ ra qua tổng kết thi hành luật và giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội.
Cơ quan thường trực của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật bảo đảm chất lượng theo quy định, sớm trình UBTVQH xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để kịp thời cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (5-2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (10-2023).