Thông xe cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây: Rút ngắn quãng đường, kết nối giao thương

Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đang chạy nước rút. Theo kế hoạch, ngày 8-2 sẽ thông xe toàn tuyến. Nhờ đó, từ TPHCM đi các tỉnh miền Trung - đặc biệt tết này sẽ không còn ám ảnh kẹt xe trên quốc lộ 1.
Thông xe cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây: Rút ngắn quãng đường, kết nối giao thương

Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đang chạy nước rút. Theo kế hoạch, ngày 8-2 sẽ thông xe toàn tuyến. Nhờ đó, từ TPHCM đi các tỉnh miền Trung - đặc biệt tết này sẽ không còn ám ảnh kẹt xe trên quốc lộ 1.

Hiện đại nhất Việt Nam

Vào những ngày cuối tháng 1, có mặt trên đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, hình ảnh hiện ra trước mắt chúng tôi là tuyến đường bằng phẳng, thông thoáng, uốn lượn rất đẹp; hai bên đường là đồng ruộng, hoa màu xanh mướt và những rẫy cao su ngút ngàn, xen lẫn các khu dân cư.

Đoạn đường khởi điểm từ nút giao An Phú (TPHCM) đến nút giao quốc lộ 51 (đi Vũng Tàu) dài 24km, đã hoàn thành đưa vào khai thác tạm với xe cộ lưu thông nườm nợp. Đoạn còn lại, từ nút giao quốc lộ 51 đến ngã ba Dầu Giây hơn 30km đã cơ bản hoàn thành, riêng đoạn từ Km23 đến Km38, mỗi ngày có hàng trăm công nhân làm việc liên tục 3 ca tất bật với việc thảm nhựa, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, hàng rào, trồng cây xanh...

Lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư dự án cho biết, dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng chiều dài gần 55km, đi qua quận 2, 9 (TPHCM) và Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Thống Nhất (Đồng Nai), với diện tích giải phóng mặt bằng 105.57ha; 721 hộ dân bị ảnh hưởng. Dự án gồm 4 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, đường chính rộng 26,5m; đường nhánh 10m, tốc độ thiết kế 120km/giờ; có tổng mức đầu tư 20.630 tỷ đồng, bao gồm vốn vay của Ngân hàng Châu Á (ADB), vay của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng. Đáng ghi nhận là nỗ lực của các nhà thầu cũng như đơn vị thi công. Các gói thầu xây lắp đoạn từ An Phú đến nút giao Vành đai 2, TPHCM đã cơ bản hoàn thành vào đầu tháng 1-2015 vượt tiến độ 6 tháng. Hai gói thầu xây lắp 6 và 5A thi công vượt tiến độ gần 10 tháng và cơ bản hoàn thành để đưa vào khai thác đầu tháng 2-2015, tức hoàn thành trước tiến độ gần một năm so với kế hoạch!

Cầu Long Thành qua sông Đồng Nai, một trong những hạng mục quan trọng trên đường cao tốc.

Cũng theo VEC, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến đường hiện đại nhất Việt Nam với những điểm nổi bật như: Có 3 nút giao khác mức, đảm bảo nguyên tắc chống giao cắt trên đường cao tốc. Các tiêu chuẩn độ dốc dọc, đường cong đứng và đường cong nằm đều đạt ở mức độ tối đa quy định cho đường cao tốc, đảm bảo an toàn và độ êm thuận tối đa khi lưu thông. Ngoài ra, hai bên cao tốc có hàng rào ngăn cách với khu vực dân cư, đảm bảo tránh việc xâm nhập gây mất an toàn của dân cư sinh sống dọc tuyến cao tốc. 100% tuyến đường được thảm lớp bê tông nhựa tạo nhám, đảm bảo tăng độ dính bám bánh xe, đặc biệt trong mùa mưa. Bên cạnh đó, tuyến đường được đầu tư bộ cân xe tự động tốc độ cao để kiểm soát xe vượt tải trọng khi xe đang lưu thông trên đường và không cần phải dừng lại...

Đảm bảo an toàn

Liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn giao thông sau khi tuyến đường đưa vào khai thác, VEC đã tổ chức tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực, thành lập các đơn vị quản lý vận hành, bảo trì và thu phí tuyến đường; đồng thời cũng đã thống nhất quy chế phối hợp thực hiện điều hành, kiểm soát giao thông trong quá trình khai thác; tổ chức trực cứu hộ, cứu nạn, cứu thương 24/24 giờ... Trong đó, cảnh sát giao thông là lực lượng tổ chức tuần tra trên toàn tuyến; Bệnh viện Đa khoa Quận 2 và Bệnh viện Long Thành thực hiện công tác cứu thương toàn tuyến.

Vì đây là tuyến đường cho phép chạy tốc độ lên đến 120km/giờ, nên VEC khuyến cáo tài xế cần kiểm tra kỹ lốp xe, bố thắng trước khi lưu thông vào đường cao tốc. Mặt khác, lốp xe không bơm quá non, cũng như quá căng và phải bơm đúng áp suất quy định.

Việc hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường cũng góp phần đẩy mạnh giao thương giữa TPHCM và các vùng lân cận, phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong khu vực... Thời gian qua, chặng đường từ TPHCM đi Vũng Tàu thông qua cao tốc đã rút ngắn thời gian được 1 giờ, còn từ TPHCM đi ngã ba Dầu Giây (giao quốc lộ 1A và hướng đi Đà Lạt) theo lộ trình cũ dài khoảng 70km, thời gian lưu thông mất 3 giờ, nay theo đường cao tốc sẽ rút ngắn được 20km và thời gian chỉ còn 1 giờ.

Quy định tốc độ, phương tiện trên tuyến cao tốc

Đối với đoạn tuyến Vành đai 2 - Dầu Giây: Tốc độ tối đa 120km/giờ, tốc độ tối thiểu 60km/giờ; đoạn An Phú - Vành đai 2 trên đoạn tuyến chính tốc độ tối đa 80km/giờ, không quy định tốc độ tối thiểu, trên đoạn tuyến nhánh các phương tiện lưu thông đi chậm đảm bảo an toàn. Về phương tiện lưu thông tại nút giao An Phú với 500m đầu, không cấm các loại phương tiện lưu thông (trừ các phương tiện cấm lưu thông trong thành phố theo luật định); đoạn từ nút giao An Phú (từ 500m trở đi) đến nút giao Dầu Giây, các loại phương tiện không được phép lưu hành gồm xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/giờ, máy kéo, mô tô 2 bánh, mô tô 3 bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự; xe máy thi công tự hành, xe bánh xích (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa đường cao tốc); xe thô sơ, người đi bộ, gia súc.

ĐÌNH LÝ - LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục