(SGGPO).- Ngày 29-12, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã tổ chức thông xe kỹ thuật cầu Rạch Chiếc 2 trên đường vành đai phía Đông TPHCM (vành đai 2) và hoàn thành đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán, sớm hơn kế hoạch 3 tháng.
Theo sở Giao thông Vận tải, thông xe sớm để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía Đông thành phố, nhất là khu vực Cát Lái, ngã tư Bình Thái… trong dịp Tết sắp tới. Khi cầu Rạch Chiếc 2 chính thức thông xe tuyến đường vành đai phía Đông của TPHCM - từ cầu Phú Mỹ đến xa lộ Hà Nội - sẽ thông suốt, giúp rút ngắn quãng đường vận chuyển hàng hóa từ Khu công nghệ cao TPHCM về Tân cảng Cát Lái từ 14 km hiện nay (đi đường vòng ra xa lộ Hà Nội) còn khoảng 8 km, đồng thời giúp giảm bớt lượng xe đi qua khu vực trung tâm và giảm tải cho xa lộ Hà Nội, hạn chế ùn tắc giao thông ở khu vực nút giao An Phú, quận 2 (nút giao tiếp giáp cao tốc TPHCM- Dầu Giây).
Sở GTVT yêu cầu Khu quản lý giao thông đô thị số 2 nghiên cứu đầu tư bổ sung đoạn tuyến kết nối từ đường Lê Văn Việt đến nút giao thông Trạm 2 để kết nối với đường Vành đai phía Đông; nghiên cứu bổ sung phương án tuyến đường Vành đai phía Đông, đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến ngã tư Bình Thái theo hướng tách thành hai nhánh riêng biệt nhưng vẫn đảm bảo số làn xe thiết kế.
Hiện nay, tại khu vực phía Đông của TPHCM có hai cây cầu mang tên Rạch Chiếc. Ngoài cầu Rạch Chiếc 2 trên đường vành đai phía Đông nói trên còn có cầu Rạch Chiếc 1 trên xa lộ Hà Nội.
Cầu Rạch Chiếc 2 được xây dựng theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng một nhánh cầu vòm thép với ba nhịp vượt sông, chiều dài 868 mét, cho bốn làn xe lưu thông theo hướng từ cầu Phú Mỹ về phía xa lộ Hà Nội, với tổng vốn đầu tư là 871 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức nhà thầu xây lắp ứng vốn thi công, ngân sách thành phố trả chậm có tính lãi. Giai đoạn 2, xây dựng thêm một nhánh cầu nữa cũng với 4 làn xe để hoàn thiện cầu Rạch Chiếc 2.
Theo quy hoạch, đường vành đai 2 có tổng chiều dài khoảng 70 km bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh đi qua cầu Phú Mỹ nối vào đường vành đai phía Đông ra đến ngã tư Bình Thái (Xa lộ Hà Nội), sau đó băng thẳng đến ngã tư Gò Dưa, nối vào Quốc lộ 1, đi qua nút giao Tân Tạo, theo đường Hồ Học Lãm và Ba Tơ để khép vào đường Nguyễn Văn Linh, tạo thành một vòng vành đai bao bọc quanh khu vực nội đô thành phố. Tuyến đường này sẽ giúp tăng năng lực giao thông của TPHCM và giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại các khu vực trung tâm thành phố. Khi tuyến đường được hoàn thành toàn bộ, xe vận tải hàng hóa ra vào các cảng, đi từ các tỉnh miền Đông sang miền Tây không còn phải xuyên qua khu vực nội thành.
Quốc Hùng