(SGGP).- Ngày 22-1, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Sở Giao thông Vận tải TPHCM và Ban An toàn giao thông TPHCM đã tổ chức tọa đàm, tìm giải pháp chống ùn tắc giao thông cho TPHCM.
Tại tọa đàm, tiến sĩ Phạm Xuân Mai, Đại học Bách khoa TPHCM, đề nghị thành phố nên tập trung mạnh cho phát triển vận tải công cộng, đặc biệt là hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn như BRT (tuyến xe buýt nhanh). Hiện TPHCM đang triển khai đầu tư tuyến BRT đầu tiên trên đường Võ Văn Kiệt bằng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới. Đây là mở đầu tốt cho việc phát triển BRT, nhưng nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn nước ngoài thì phải rất lâu nữa thành phố mới phát triển hoàn chỉnh hệ thống BRT, do thời gian thực hiện thủ tục đầu tư các dự án có nguồn vốn nước ngoài thường kéo dài khá lâu. TPHCM có thể chủ động cải cách thủ tục đầu tư để huy động nguồn vốn trong nước cho phát triển loại hình vận tải công cộng này.
Nhiều ý kiến tại tọa đàm đều có chung nhận định: BRT có năng lực vận chuyển hành khách lớn, không thua kém metro nhưng kinh phí đầu tư cũng như kỹ thuật thực hiện không lớn và phức tạp như metro. Sớm có được hệ thống này, TPHCM sẽ có điều kiện tốt để hạn chế xe cá nhân, chống ùn tắc giao thông. Hiện lượng phương tiện cơ giới do TPHCM quản lý đã đạt gần 8 triệu phương tiện, tăng gần 3 triệu so với 5 năm trước đây. Để góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, TPHCM phải có bước đột phá trong phát triển vận tải hành khách công cộng. Đối với hệ thống xe buýt hiện hữu, nên nhanh chóng đổi mới phương tiện đã cũ kỹ, xuống cấp và thải khói đen như hiện nay.
NGUYỄN KHOA