Thủ lĩnh Đoàn dấn thân và trải nghiệm

Mỗi người ai cũng có một thời tuổi trẻ sôi động và nhiệt huyết. Có người sử dụng nguồn năng lượng trẻ tích cực ấy để theo đuổi giấc mơ của riêng mình. Nhưng cũng có những thanh niên luôn đau đáu và hành động vì cái chung, vì niềm vui của những người xung quanh và vì sự tốt đẹp của xã hội.

Phía sau những chuyến xe đoàn viên

Hơn 11 giờ trưa, tiếng chuông báo giờ học kết thúc, một số sinh viên rủ nhau ra sân trường mua suất cơm giá 10.000 đồng. Nhận hộp cơm còn nóng hổi trên tay, Trương Thị Yến Trang, sinh viên năm 2 Trường Đại học (ĐH) Sài Gòn, cho biết: “Nhờ quán cơm này mà tôi dư ra được mỗi tháng mấy trăm ngàn để học ngoại ngữ”. Ngoài quán cơm sinh viên, Trường ĐH Sài Gòn còn nổi tiếng với chương trình “Chuyến xe đoàn viên” đưa sinh viên về quê đón tết suốt 9 năm qua. Ở TPHCM, những chuyến xe như vậy không mới nhưng riêng ở Trường ĐH Sài Gòn, đó không chỉ là những chiếc vé được phát ra, đúng ngày, đúng giờ sinh viên lên xe về quê mà đó còn là sự chăm chút từng giấc ngủ, bữa ăn cho sinh viên trên chặng đường từ TPHCM về với gia đình.

Các hoạt động ấy đều nổi bật và lan tỏa nhưng ít ai biết đằng sau những quầy cơm hay những chuyến xe là tâm huyết, sự nỗ lực của các giảng viên, cán bộ công nhân viên nhà trường, đặc biệt là thủ lĩnh Đoàn Thanh niên Lê Thanh Hùng, Bí thư Đoàn trường ĐH Sài Gòn.

Thủ lĩnh Đoàn dấn thân và trải nghiệm ảnh 1 Quầy cơm sinh viên giá 10.000 đồng/suất phục vụ sinh viên khó khăn
Nhìn sinh viên vui vẻ thưởng thức bữa ăn ngon, bổ, rẻ trên hàng ghế đá trong khuôn viên sân trường, anh Hùng lại thầm cảm ơn câu chuyện của một giảng viên cách đây 2 năm. Anh Hùng kể: “Có dịp trò chuyện cùng một giảng viên, được thầy chia sẻ về chuyện ăn, chuyện ở thời sinh viên của thầy. Nhớ về quãng thời gian đó, thầy lại trăn trở bởi tưởng chừng bữa cơm thiếu cả lượng và chất ấy chỉ là dĩ vãng của mấy mươi năm về trước, thời đất nước còn đói, nghèo, vậy mà giờ đây, vẫn có những sinh viên phải dè sẻn cả bữa ăn. Câu chuyện của thầy khiến tôi suy nghĩ nhiều lắm, tôi bắt đầu quan sát kỹ hơn sinh hoạt của sinh viên và nhận thấy không ít bạn ăn uống qua loa vì kinh tế eo hẹp, nên đề xuất lập quầy cơm sinh viên ngay trong sân trường”. 

Ngay sau ngày khai giảng năm học 2017-2018 đến nay, vào buổi trưa mỗi ngày, quầy cơm sinh viên đều đặn xuất hiện ở góc sân trường, hỗ trợ 200 suất cơm với giá chỉ 10.000 đồng/suất. Để có kinh phí hoạt động quán cơm, anh Hùng và các đoàn viên đi quyên góp và tổ chức nhiều chương trình gây quỹ. 

Trường ĐH Sài Gòn có khoảng hơn 14.000 sinh viên, hơn phân nửa trong số đó là ở các tỉnh về TPHCM trọ học. Thời còn là sinh viên, mỗi dịp tết đến xuân về, Hùng lại chứng kiến không ít bạn bè thui thủi một mình giữa thành phố, một số bạn lao vào làm thêm để mong đủ tiền mua vé tàu, xe về quê đoàn viên với gia đình. Thời điểm trước năm 2010, mỗi năm, Trường ĐH Sài Gòn được Thành đoàn TPHCM hỗ trợ khoảng 30 vé xe tặng sinh viên về quê, so với gần 8.000 sinh viên ở các tỉnh, trong đó nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn thì số vé xe ấy “không thấm vào đâu”. Bởi vậy ngay từ năm 3 đại học, cậu sinh viên Lê Thanh Hùng, khi đó là Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, đã mạnh dạn xây dựng chương trình “Chuyến xe đoàn viên” rồi “vác” thư ngỏ đi khắp nơi xin tài trợ. Từ 100 vé xe của giai đoạn đầu, đến nay, gần 3.000 lượt sinh viên đã được hỗ trợ về quê đón tết an toàn, vui vẻ. 

Không quay lưng trước cái xấu 

Người dân phường 13 quận 3 không chỉ biết một An Quốc Long (Phó Bí thư Đoàn phường 13) cần mẫn đến từng gia đình để dán đề can có số điện thoại của các lãnh đạo phường, rồi tận tình hướng dẫn cách liên lạc khi gặp bất cứ khó khăn gì liên quan đến thủ tục hành chính, an ninh trật tự…, mà còn rất quen thuộc với một An Quốc Long - “khắc tinh” của những kẻ cướp giật đường phố. 

Gần 10 năm qua, anh Long không nhớ mình đã bắt bao nhiêu tên cướp, đã ngăn chặn bao nhiêu hành vi cướp giật và trao lại bao nhiêu món đồ cho người dân, chỉ biết rằng, quan sát và ra tay săn bắt cướp đã trở thành thói quen của anh khi đi trên đường. Cũng vì “máu me” bắt cướp nên cách đây 6 năm, anh đã viết đơn tình nguyện xin đi nghĩa vụ công an.

Anh Long tâm sự: “Muốn góp sức cho xã hội thì phải có kỹ năng, mà môi trường nghĩa vụ công an vừa giúp tôi hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, vừa là nơi rèn luyện để tôi có thêm kinh nghiệm nhìn người cũng như kỹ năng tự vệ, tấn công kẻ cướp”.

Đối tượng mà anh Long “chạm trán” rất manh động, chủ yếu là những kẻ cờ bạc, hút chích hoặc thuộc thành phần… không còn gì để mất. Bởi vậy mà không ít lần anh bị đáp trả một cách quyết liệt, dẫn đến những tổn thương cho bản thân, mới đây anh từng phải điều trị phơi nhiễm HIV suốt 3 tháng. Trong thâm tâm, cũng có đôi lúc anh thấy hoang mang, lo sợ bị nhiễm bệnh, nhưng săn bắt cướp như đã thành bản năng của chàng trai trẻ, miệng bảo cứ bơ chuyện thiên hạ đi nhưng cái tâm và bản tính cương trực lại thôi thúc anh quan sát và ra tay nghĩa hiệp. 

“Tôi nghĩ mỗi con người, ngoài công việc để sinh nhai thì còn có một nghĩa vụ rất riêng mà cái duyên mang lại. Tôi không làm vì lời khen hay mong chờ phần thưởng nào đó, tôi làm vì cảm thấy vui khi người dân lương thiện không bị mất đồ, vui khi giúp xã hội ngăn chặn hành vi xấu”, anh Long trải lòng.

Tin cùng chuyên mục