Như Báo SGGP đã đưa tin, chiều 5-3-2012 lãnh đạo TPHCM đã nghe Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong báo cáo kết quả nghiên cứu khả thi dự án thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TP để chống ùn tắc giao thông. Ngay sau khi bài đăng, Báo SGGP đã nhận được khá nhiều phản hồi của bạn đọc xung quanh vấn đề này.
Luẩn quẩn chuyện thu tiền
Anh Nguyễn Quang Tuyến, nhà ở khu K300 quận Tân Bình cho biết, anh thường đi ô tô qua khu trung tâm TP, để đến quận 4 làm việc. Anh không hiểu vì sao anh phải trả tiền cho việc đi “quá cảnh” đó. Anh cũng cho rằng việc thu tiền là phi lý, vì Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong chẳng làm gì với hệ thống đường nội thành, như nâng cấp, cải tạo, mở rộng… Có chăng công ty này đưa ra đề án thu tiền để có điều kiện vay vốn làm ăn, thu lãi.
Đồng ý kiến với anh Tuyến, ông Ng.Tr.S, nhân viên Công ty Giao nhận Ngoại thương cũng cho rằng, việc ông phải đi ô tô từ Tân Bình qua các quận 7, Nhà Bè, tới các cảng là cần thiết, vì không còn đường nào ngắn nhất để đi qua các quận đó. Chuyện thu phí thật luẩn quẩn, vì mục đích thu phí của Công ty Tiên Phong chẳng thể giảm ô tô nếu người dân có nhu cầu đi lại, và cũng chẳng giải quyết nhu cầu mở rộng các tuyến đường, nâng cấp đường, vì chuyện đó không nằm trong dự án của công ty này.
Theo đề án của Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong, xe “biển số xanh” của các cơ quan Nhà nước cũng sẽ phải nộp phí khi đi vào khu trung tâm.
Trong cuộc họp với lãnh đạo TPHCM, đại diện Sở Tài chính đã phản ứng và cho rằng như vậy ngân sách TPHCM sẽ phải chi một khoản tiền không nhỏ để mua phí. Đây là lo ngại hết sức hợp lý bởi như chính một cán bộ của Sở Giao thông Vận tải tính toán, nếu mỗi cơ quan có trung bình 5 chiếc xe, một ngày trung bình một chiếc phải đi qua cửa thu phí 3 lần. Trong khu vực thu phí (khu vực thu phí khá rộng - xem chi tiết box bài đăng ngày 6-3-2012) ước có khoảng 300 cơ quan (bao gồm cả cơ quan trung ương và địa phương, các đoàn thể…) thì trung bình mỗi ngày ngân sách TPHCM phải chi 45 triệu đồng phí lưu thông, trong một năm tốn khoảng 20 tỷ đồng.
Ngày 7-3-2012 trao đổi với Báo SGGP, ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, dự án sẽ gây tác động rất lớn đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là người dân trong khu vực thu phí và tạo ra nhiều luồng dư luận khác nhau. Sở GTVT nhận thức rằng, việc thu phí sẽ dẫn đến sự gia tăng nhu cầu đậu xe. Chính vì vậy, để góp phần làm cho dự án khả thi, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ các thực hiện các dự án bãi đậu xe công cộng trong khu vực trung tâm cần nghiên cứu bổ sung quy hoạch các bãi đậu xe tại các khu vực tiếp giáp vành đai thu phí.
Phải “thử “ việc thu phí
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM tỏ ý băn khoăn về tính hiệu quả của dự án trong nhiệm vụ chống ùn tắc giao thông cho TP.
Ông Nguyễn Trọng Hòa phân tích: Khu vực trung tâm TP chỉ kẹt và ùn ứ trong các giờ cao điểm. Nếu mục tiêu của dự án là chống ùn tắc giao thông thì sao phải thu phí cả vào những giờ không ùn ứ? (dự án dự kiến thu phí từ 6 giờ đến 20 giờ/ngày). Hiện nay những khu vực ùn tắc và có nguy cơ ùn tắc giao thông nhất TPHCM không phải là khu trung tâm mà là các cửa ngõ ra vào TPHCM. Nếu triển khai thu phí khu trung tâm và đẩy xe ra phía ngoài, rõ ràng chỉ làm cho tình trạng giao thông khu vực cửa ngõ kẹt lại thêm kẹt. Do vậy, tốt nhất, nếu phải thu, thì nên làm thí điểm ở một vài tuyến đường để đánh giá việc có giảm ùn tắc giao thông hay không, xe ùn ứ khi nộp phí mất bao lâu và các xe nhà nước tốn bao nhiêu tiền… Đồng thời, cũng nên công khai nguồn thu sẽ để làm gì cho hệ thống giao thông khu vực trung tâm.
| |
Ng.Khoa – Th.Long
- Thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TPHCM: Cần sự thống nhất và đồng thuận