Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM đã phối hợp với Sở Tài chính TPHCM tổ chức buổi hội thảo Đánh giá quá trình thực hiện chương trình thu phí vệ sinh, phí bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố sau 2 năm Quyết định 88/2008/QĐ-UB được ban hành.
Chỉ thu được 50%
Báo cáo tại hội thảo của Sở TN-MT TPHCM tính đến cuối năm 2010, thống kê 24 quận huyện địa bàn thành phố cho thấy, có tổng cộng 1.066.951 chủ nguồn thải; trong năm 2010, tổng thu từ các chủ nguồn thải này là 146,136 tỷ đồng, chi phí cho công tác thu gom là 115,780 tỷ đồng, nộp vào ngân sách thành phố 35,495 tỷ đồng. Như vậy, nếu căn cứ vào thống kê tổng số chủ nguồn thải nhân với mức phí phải thu của các đối tượng theo quy định tại Quyết định số 88/2008/QĐ-UBND, tổng số phí phải thu của các quận huyện năm 2010 là 277,361 tỷ đồng thì phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố trong năm 2010 mới chỉ thu được khoảng 50% so với quy định.
Theo đại diện các quận huyện, sở dĩ thu vẫn chưa đủ mức phí là do Quyết định 88/2008/QĐ-UBND chưa thật sự nhận được sự đồng thuận của người dân, ý thức của chủ nguồn thải, đặc biệt là nhóm đối tượng ngoài hộ gia đình chưa cao. Bên cạnh đó, các tổ chức vệ sinh dân lập chưa được quản lý chặt chẽ, có hiện tượng thỏa thuận với đơn vị thu gom rác mức phí phải nộp thấp hơn mức phí theo quy định, không sử dụng Biên lai thu phí do cơ quan Thuế phát hành.
Bà Huỳnh Kim Hoàn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TPHCM, cho biết toàn TP mới chỉ có 15 HTX vệ sinh môi trường, nhiều địa phương còn lại giao việc thu phí cho các đường dây rác dân lập đảm nhận. Chủ nhiệm HTX Vệ sinh môi trường Thống Nhất, quận Bình Thạnh, ông Tạ Văn Đực tỏ ý bức xúc về sự “không công bằng” giữa những đơn vị tổ chức thu gom trong và ngoài hợp tác xã. Theo đó, có những đơn vị thu gom dân lập tự phát, thu gom hộ gia đình với mức phí thấp hơn và không nộp lại cho HTX theo quy định.
Bên cạnh đó, những đơn vị này còn xuất hiện tình trạng đổ rác bữa bãi. Để giải quyết vấn đề này, các quận huyện kiến nghị Sở TN-MT TPHCM cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của các chủ nguồn thải, đặc biệt là các chủ nguồn thải ngoài hộ gia đình cũng như quản lý chặt chẽ hơn các đơn vị thu gom rác dân lập, đặc biệt các nhóm thu gom rác “chui” không thuộc tổ chức nào.
Cho đến nay các quận/huyện chưa áp dụng các biện pháp chế tài được quy định tại Thông tư 06/2004/TT-BTC ngày 4-2-2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 106/2003/NĐ-CP ngày 23-9-2009 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phí và lệ phí. Các đơn vị thu gom công lập đề nghị cần đẩy mạnh giám sát, chế tài, xử lý vi phạm mạnh tay hơn đối với các đơn vị sai phạm.
Nên tăng mức phí?
Theo Quyết định 88/2008/QĐ-UB, UBND TPHCM giao cho UBND phường xã tổ chức thu phí thu gom rác, tuy nhiên trên thực tế là công tác thu gom vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng thất thu như hiện nay. Vì thế, khi một số quận huyện (Bình Tân, Hóc Môn, Thủ Đức) kiến nghị nên tăng mức phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường do mức giá tiêu dùng tăng, một số đại biểu không tán đồng.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, PGĐ Công ty Môi trường đô thị cho rằng không nên tăng giá trong tình trạng hiện nay. Các phường xã hiện vẫn chưa thu đủ mức phải thu, cho nên điều cấp bách là làm sao để có thể tạo điều kiện và quản lý hợp lý công tác thu gom sao cho có thể thu đủ mức phí quy định. Theo ông Hoàng, nếu tăng mức phí sẽ càng khó khăn hơn trong công tác thu phí, “thà thu ít còn hơn thu không được”.
Bên cạnh đó, Sở TN-MT TPHCM và Sở Tài chính TPHCM nên nghiên cứu đưa ra mức phí linh động, phù hợp với tình trạng sản xuất của các đơn vị kinh doanh, nguồn thải ít thì thu phí ít. Theo đó, UBND TPHCM giao cho UBND phường xã tổ chức thu phí thu gom rác là 15.000 đồng/tháng/hộ trong hẻm và 20.000 đồng/hộ mặt tiền. Phường, xã trích 5%-10% trả cho người thu gom rác và nộp ngân sách 20%-25%.
HIẾU THƯỢNG