Thủ phủ xuất khẩu gỗ trầm lắng

Trong 8 tháng đầu năm 2021, mặc dù đối diện với nhiều thách thức, Bình Định - thủ phủ xuất khẩu gỗ miền Trung - vẫn tận dụng thời cơ gặt hái được nhiều kết quả tích cực, mặt hàng gỗ và sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu đạt gần 480 triệu USD, chiếm gần 54% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Tuy vậy, thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ đang đứng ngồi không yên.

Thiếu trước, hụt sau

Ngành gỗ Bình Định những năm qua đang phát triển đầy tiềm năng, đặc biệt từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực vào tháng 8-2020, các DN gỗ được bước chân vào thị trường lớn có nhiều cơ hội. Tưởng chừng thủ phủ xuất khẩu gỗ miền Trung này sẽ tiếp tục duy trì, tăng trưởng mạnh giai đoạn cuối năm 2021, nhưng dịch bệnh gia tăng làm đứt gãy, đình trệ nhiều kế hoạch, đơn hàng xuất khẩu khiến các DN trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. 

Mấy tháng qua, các dây chuyền sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Tân Phú Sơn (Bình Định) hoạt động cầm chừng, hàng hóa lưu kho ngày càng nhiều khiến DN vô cùng lo lắng.

Ông Võ Thành Nam, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phú Sơn, cho biết, từ đầu tháng 8 đến nay, việc xuất bán các lô hàng ra nước ngoài cho đối tác rất chậm, vướng mắc đủ đường, nguyên liệu thiếu, nhân lực hao hụt. Trước đây, mỗi ngày chuỗi sản xuất Tân Phú Sơn tiếp nhận 200 - 300 tấn gỗ cây nguyên liệu thì nay chỉ còn 30 - 40 tấn/ngày. 

Lãnh đạo Công ty TNHH Hoàng Hưng (Bình Định) cho hay, không chỉ nguồn nguyên liệu khan hiếm. Nhiều công nhân của công ty cũng bị mắc kẹt ở các địa phương có dịch nên càng rơi vào tình thế thiếu trước, hụt sau. 

Thủ phủ xuất khẩu gỗ trầm lắng ảnh 1 Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Bình Định duy trì các dây chuyền sản xuất tiết kiệm trong mùa dịch

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, chỉ trong tháng 8-2021, toàn tỉnh Bình Định có 20 nhà máy xuất khẩu gỗ phải giảm 50% công suất, 6 nhà máy phải đóng cửa. Đáng ngại hơn, nhiều DN đã ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài cung ứng hàng hóa đến hết năm nhưng hiện không thể đáp ứng kịp hàng do khan hiếm lao động, nguyên liệu.

Việc này khiến nhiều DN đứng trước nguy cơ phá vỡ hợp đồng, phải bồi thường cho đối tác. Chi phí vận tải logistics leo thang, phương thức xuất nhập khẩu của các DN thông qua cảng còn bị động... nên DN chịu nhiều chi phí phát sinh. Theo dự báo, giai đoạn cuối năm nay đến đầu năm 2022, các DN gỗ nói riêng và ngành nghề xuất khẩu khác sẽ càng trở nên khó khăn.

Cầm cự sản xuất 

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định thông tin, nhiều năm trở lại đây, ngành gỗ tỉnh này đã bước sang một giai đoạn mới với nhiều thời cơ, thị trường ngày càng mở rộng sang các nước thành viên EU, Anh, Australia và đặc biệt tăng trưởng cao ở thị trường Mỹ. Bên cạnh lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh là gỗ dăm, viên nén, nhiều DN gỗ Bình Định từng bước mở rộng quy mô nhà máy, dây chuyền sản xuất đồ gỗ khép kín với các đối tác uy tín, bền vững hơn. 

Tuy nhiên, hiện các DN gỗ đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguyên liệu gỗ lớn trong nước, buộc phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về sản xuất với chi phí cao, lợi nhuận thấp. Theo một số ý kiến của các DN gỗ Bình Định, miền Trung và khu vực Tây Nguyên rất có lợi thế về trồng rừng sản xuất. Tuy vậy, miền Trung - Tây Nguyên lại không tận dụng được thế mạnh này.

Ông Đỗ Xuân Lập, Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ Gỗ Tiến Đạt (DN gỗ lớn nhất tỉnh Bình Định), cho biết, đơn vị đang nỗ lực duy trì nguồn nhân lực tại chỗ, tiết kiệm bằng các phương án đơn giản, nhanh nhất để hoàn thành các đơn hàng, đáp ứng kịp tiến độ cho các đối tác, bạn hàng ở nước ngoài. 

“Thực tế, giai đoạn này dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song nhu cầu sản phẩm gỗ ở thị trường thế giới rất cao. Đơn hàng nào hoàn thiện là các đối tác mua hết, không có hàng để bán. Trong khi đó, chúng ta đang thừa hưởng rất tốt Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU nên các DN trong nước rộng đường xuất khẩu, làm ăn. Đây là những tín hiệu tốt, trước mắt các DN cần duy trì hoạt động, cầm cự qua dịch…”, ông Lập cho hay.

Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, thông tin, chính quyền đang ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân để họ yên tâm làm việc. Đồng thời cố gắng duy trì các tuyến vận tải kết nối đường bộ từ các khu cung ứng nguyên liệu để giải quyết cơn “khát” nguyên liệu cho DN.

Sở Công thương tỉnh Bình Định đã kiến nghị Bộ Công thương tăng cường kết nối với các DN vận tải trong nước và thế giới, đặc biệt là vận tải biển, để tháo gỡ khó khăn cho các DN xuất nhập khẩu gỗ tại tỉnh. Một đại diện phụ trách Cảng Quy Nhơn và Cảng Đà Nẵng cho biết, các cảng biển này đang duy trì nhân lực tại chỗ với nhiều phương thức làm việc an toàn để hỗ trợ tối đa cho các DN bốc dỡ, vận chuyển các lô hàng, container xuất - nhập khẩu nhanh chóng nhất có thể nhằm giảm bớt chi phí phát sinh cho các DN.

Tin cùng chuyên mục