Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến: Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải

LTS: Vừa qua, Báo SGGP đã đăng tải loạt bài cảnh báo về tình trạng ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng, đồng thời phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm cứu sông Sài Gòn-Đồng Nai. Bên cạnh đó, Báo SGGP cũng đã phối hợp với Sở KH-CN TP tổ chức Hội thảo Giải pháp cứu chất lượng nước sông Sài Gòn - Đồng Nai, thu hút nhiều chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực môi trường, thủy điện... Trước sự quan tâm của dư luận, Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến: Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải

LTS: Vừa qua, Báo SGGP đã đăng tải loạt bài cảnh báo về tình trạng ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng, đồng thời phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm cứu sông Sài Gòn-Đồng Nai. Bên cạnh đó, Báo SGGP cũng đã phối hợp với Sở KH-CN TP tổ chức Hội thảo Giải pháp cứu chất lượng nước sông Sài Gòn - Đồng Nai, thu hút nhiều chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực môi trường, thủy điện... Trước sự quan tâm của dư luận, Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

        Nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách

* Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, với cơ chế hoạt động hiện nay, liệu Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao?

* Thứ trưởng Bộ TN-MT BÙI CÁCH TUYẾN: Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai gồm 24 thành viên là đại diện lãnh đạo của các bộ, ngành liên quan và 11 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Đến nay, ủy ban đã tổ chức 6 phiên họp. Tại các phiên họp này, ủy ban đã tiến hành đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ cụ thể của Đề án sông Đồng Nai tại từng địa phương; thống nhất kế hoạch triển khai tại từng địa phương và trên toàn lưu vực sông; đánh giá những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp thực hiện cho các năm tiếp theo.

Nước thải của Cơ sở giết mổ gia súc Trung Tâm chưa qua xử lý xả thẳng ra kênh Cầu Trường Đai nối với kênh Tham Lương rồi đổ vào hệ thống sông Sài Gòn. Ảnh: Quang Khoa

Nước thải của Cơ sở giết mổ gia súc Trung Tâm chưa qua xử lý xả thẳng ra kênh Cầu Trường Đai nối với kênh Tham Lương rồi đổ vào hệ thống sông Sài Gòn. Ảnh: Quang Khoa

Trong các năm vừa qua, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã tham mưu, góp ý cho Chính phủ, các bộ, ngành liên quan ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó cũng đã đề xuất một số kiến nghị cụ thể như: đề nghị ban hành cơ chế tài chính đặc thù cho công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông; xây dựng quy định về các ngành nghề cần cấm hoặc hạn chế đầu tư trên lưu vực sông; quy hoạch khu xử lý chất thải Tân Thành (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) cho cả vùng Đông Nam bộ; kiến nghị Chính phủ không tiếp tục phát triển thêm các công trình thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai. Trong phiên họp lần thứ 6 tổ chức tại TP Đà Lạt vừa qua, ủy ban đã thảo luận về quy hoạch phát triển thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai và giải pháp bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn của lưu vực.

Nhìn chung, sự ra đời và đi vào hoạt động của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã góp phần đáng kể vào các kết quả triển khai Đề án sông Đồng Nai. Nhận thức của các địa phương về trách nhiệm bảo vệ môi trường trong toàn lưu vực được nâng lên, công tác tổ chức chỉ đạo, điều phối ở cấp lưu vực và cấp tỉnh được hình thành; kế hoạch triển khai Đề án sông Đồng Nai tại các địa phương đã được ban hành và triển khai tích cực; tình hình ô nhiễm môi trường nước trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã từng bước được cải thiện; ý thức của cộng đồng trên lưu vực đã từng bước được nâng cao, đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật môi trường không ngừng gia tăng; hệ thống quan trắc và giám sát môi trường được đầu tư và từng bước hoàn thiện; công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng hiệu quả, tạo sự chuyển biến đối với nhận thức và hành động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vai trò và mô hình tổ chức hoạt động của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đối với các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông cũng cần được xem xét, đổi mới để đảm bảo tính hiệu lực cao hơn. Bảo vệ chất lượng môi trường nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách.

        Cần cơ chế tài chính đặc thù

* Là cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, Bộ TN-MT có những giải pháp nào nhằm tăng cường hiệu lực quản lý, cải thiện chất lượng môi trường nước đối với lưu vực hệ thống sông Đồng Nai?

* Đối với lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp, từ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn cho đến các công tác thực thi cụ thể khác.

* Xin thứ trưởng nói rõ hơn về công tác thực thi? Giải pháp nào hiện nay cần được chú trọng hơn cả?

* Tôi cho rằng một việc cần được làm sớm và có thể làm được ngay là thống kê, quản lý và kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải trên lưu vực sông. Bộ TN-MT đang phối hợp với Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai chỉ đạo xây dựng Đề án thống kê, cập nhật dữ liệu nguồn thải lỏng và xây dựng kế hoạch quản lý, xử lý nguồn thải lỏng trên toàn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

Đồng thời, cần tập trung quyết liệt vào công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kể cả biện pháp buộc đóng cửa; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; buộc tất cả các khu, cụm công nghiệp xây dựng mới phải hoàn thành hệ thống xử lý nước thải trước khi đi vào hoạt động. Tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các đô thị, khu dân cư trên lưu vực. Đây là các dự án cần nguồn kinh phí lớn, nên cần đa dạng hóa các nguồn đầu tư. Và như thế, cũng cần có cơ chế tài chính đặc thù cho công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông. Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã thống nhất kiến nghị Chính phủ cho cơ chế để sử dụng một phần tiền xử phạt hành chính về môi trường và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải để đầu tư lại cho các dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường lưu vực sông; thiết lập hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường hoàn chỉnh trên toàn bộ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, xây dựng cơ chế chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu chất lượng nước giữa các tỉnh, thành phố...

Tất nhiên bảo vệ môi trường lưu vực sông là việc mà không chỉ ngành TN-MT có thể làm được. Còn nhiều giải pháp khác cần được thực hiện đồng bộ như tăng cường sự giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng...

BẢO ANH thực hiện

>> Cứu sông Sài Gòn - Đồng Nai: Phát huy lợi thế, khắc chế thiệt hại

Tin cùng chuyên mục