Thủ tục hành chính nhiêu khê - Thiệt hại tiền tỷ

Nhóm tác giả gồm GS-TS Nguyễn Thị Cành, PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, TS Đỗ Phú Trần Tình, TS Nguyễn Tấn Phát, Th.S Hoàng Thọ Phú, Th.S Phạm Chí Khoa… của Trường Đại học Luật - Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, trong đề án Nghiên cứu Phát triển chính quyền đô thị tại Việt Nam của mình đã làm một phép tính để lượng hóa khá cụ thể những thiệt hại về kinh tế của TPHCM trong bối cảnh thủ tục hành chính nhiêu khê, lòng vòng như hiện nay. Đề án được nghiên cứu công phu từ nhiều năm nay và vừa được công bố hồi cuối tháng 7-2013 tại TPHCM.

Nhóm tác giả gồm GS-TS Nguyễn Thị Cành, PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, TS Đỗ Phú Trần Tình, TS Nguyễn Tấn Phát, Th.S Hoàng Thọ Phú, Th.S Phạm Chí Khoa… của Trường Đại học Luật - Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, trong đề án Nghiên cứu Phát triển chính quyền đô thị tại Việt Nam của mình đã làm một phép tính để lượng hóa khá cụ thể những thiệt hại về kinh tế của TPHCM trong bối cảnh thủ tục hành chính nhiêu khê, lòng vòng như hiện nay. Đề án được nghiên cứu công phu từ nhiều năm nay và vừa được công bố hồi cuối tháng 7-2013 tại TPHCM.

Theo đó, các nhà khoa lấy số liệu thống kê của ngành xây dựng tại TPHCM trong các năm từ 2005 đến 2010 để tính toán. Năm 2005 vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngành xây dựng thành phố là 840,8 tỷ đồng. Năm 2007 là 1.085,3 tỷ đồng. Như vậy trong 2 năm từ 2005 đến 2007 số vốn của ngành xây dựng đã tăng 244,5 tỷ đồng. Lý do các nhà khoa học lấy số liệu thống kê của hai năm cách nhau: 2005 và 2007 vì họ căn cứ vào kết quả khảo sát doanh nghiệp tại TPHCM trong việc thực hiện thủ tục hồ sơ đầu tư xây dựng nhà ở. Các doanh nghiệp cho biết, thời gian trung bình để hoàn tất thủ tục từ 2 - 3 năm. Giả định thời gian để làm thủ tục chung ở TPHCM là 2 năm, các nhà khoa học tính toán được rằng, nếu TPHCM rút ngắn được thời gian làm thủ tục xuống còn 6 tháng như thành phố Đà Nẵng thì toàn bộ số vốn tăng thêm trong 2 năm (từ 2005 - 2007): 244,5 tỷ đồng sẽ được đầu tư vào ngay năm 2005 thay vì đợi đến năm 2007. Căn cứ bảng cân đối liên ngành của TPHCM năm 2000, các nhà khoa học tính toán được rằng, nếu tăng thêm 1 đồng đầu tư cho ngành xây dựng thì ngành này sẽ thúc đẩy trực tiếp thu hút cho đầu vào các ngành sản phẩm khác 2,3264 đồng. Với 244,5 tỷ đồng được đầu tư trong năm 2005 thì ngay trong năm này, vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã giúp các ngành khác tăng ước tính là 568,8 tỷ đồng (244,5 tỷ đồng x 2,3264 đồng).

Như vậy, trong năm 2005 ngoài 244,5 tỷ đồng tiền xây dựng cơ bản tăng thêm còn có 568,8 tỷ đồng tăng thêm từ các ngành khác, tổng lại TPHCM có thêm 813, 3 tỷ đồng vốn đầu tư. Cũng theo nghiên cứu này, số vốn tăng thêm này sẽ giúp cho GDP thành phố tăng thêm 0,21% ngay trong năm 2005 thay vì phải đợi đến các năm sau. Tất nhiên, sự gia tăng sẽ lũy tiến tăng theo từng năm và chắc chắn sẽ là động lực mạnh mẽ cho TPHCM phát triển.

Bên cạnh những số liệu về mức độ thiệt hại mà TPHCM phải gánh chịu do thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng nhiêu khê, nghiên cứu của các nhà khoa học còn cho thấy có một sự thiệt hại vô hình khác rất đáng quan tâm, đó là thời gian của người dân và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho biết, đôi khi chỉ đi công chứng giấy tờ mà họ đã phải mất cả buổi làm việc.

Thời gian để thực hiện thủ tục cho các dự án xây dựng nhà ở tại TPHCM

Theo các doanh nghiệp, gồm có 9 bước với thời gian thực hiện từ 2 - 3 năm. Tuy nhiên, trong đó có khoảng 80% số dự án thực hiện xong thủ tục đầu tư theo mốc thời gian này. Vẫn còn đến 20% số dự án có thời gian thực hiện thủ tục trên 3 năm, cá biệt có dự án phải thực hiện thủ tục trên 10 năm. Cứ mỗi bước chuyển hồ sơ từ cơ quan này sang cơ quan khác là thêm mất vài tháng. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, nếu quá 1 năm không thực hiện xong thủ tục thì dự án bị thu hồi. Do vậy, đa số doanh nghiệp lại phải làm thêm một thủ tục nữa: xin gia hạn thời gian thực hiện dự án.

(Nguồn: Đề án Nghiên cứu phát triển chính quyền đô thị tại Việt Nam)

SƠN LAM

Ông Nguyễn Văn Đực Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành: Nên giảm ít nhất 50% thủ tục

Cách nay 2 năm, ngày 23-11-2011 Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành có văn bản xin Sở Xây dựng TPHCM cho chuyển đổi 15 căn penhouse thành 52 căn hộ thông thường. Ngày 25-6-2012 căn cứ văn bản của Đất Lành, Sở Xây dựng TPHCM có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng về việc điều chỉnh căn hộ của Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành. Ngày 14-8-2012 Bộ Xây dựng có văn bản trả lời: việc xin điều chỉnh của Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành là phù hợp với tinh thần Chỉ thị số 2196 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản nên đề nghị Sở Xây dựng TPHCM hướng dẫn thực hiện. Hiện nay, Sở Xây dựng TPHCM lại đang xin ý kiến UBND TPHCM về việc điều chỉnh trên và Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành vẫn đang phải chờ ý kiến hướng dẫn của Sở Xây dựng. Nếu ngay từ đầu, Sở Xây dựng xin ý kiến UBND TPHCM thì doanh nghiệp đã không phải chờ đợi như thế. Kể từ khi Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành có văn bản gửi Sở Xây dựng, đến nay đã hơn 1 năm 8 tháng… Khoảng thời gian đó đủ để làm cho chi phí đầu tư căn hộ bị đôn lên rất nhiều… Sự lòng vòng này không những làm cho doanh nghiệp mất thời gian, chi phí mà người dân cũng bị thiệt hại bởi tất cả các chi phí tăng thêm, doanh nghiệp buộc phải đưa vào giá bán. Theo tôi, nên giảm ít nhất 50% thủ tục đầu tư hiện hữu… Đó không chỉ là cách thức làm giảm giá bất động sản một cách hiệu quả nhất mà còn làm cho TPHCM thu hút thêm được các nguồn lực vào đầu tư phát triển.

TS Võ Kim Cương Nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM: Nghiên cứu kỹ mô hình 4 đô thị độc lập

Nhiều năm qua, đô thị TPHCM đã phát triển “như vết dầu loang”. Theo mô hình chính quyền đô thị, TPHCM sẽ hình thành 4 đô thị độc lập ở 4 hướng: Đông, Bắc, Tây, Nam. Tôi cho rằng, TPHCM phải nghiên cứu kỹ mô hình của 4 đô thị này vì nếu là đô thị vệ tinh thì giữa đô thị vệ tinh với đô thị chính phải có khoảng cách nhất định… Nay đô thị đã phát triển “như vết dầu loang” thì việc hình thành đô thị vệ tinh là điều không đơn giản. Nếu muốn thực hiện, phải tiến hành giải tỏa, gom dân… cuộc sống người dân sẽ bị xáo trộn rất lớn. Tuy nhiên, nếu đơn thuần chỉ hình thành 4 khu trung tâm hành chính, kinh tế… thì mọi việc dễ dàng hơn nhưng như vậy sẽ không đạt được mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị như thành phố mong muốn.

TÂM ĐỨC ghi

Tin cùng chuyên mục