Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chưa phát hiện có tiêu cực, tham nhũng tại EVN

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên vừa ký văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về việc xử lý sau thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Cuộc họp này diễn ra ngày 4-12 với sự chủ trì của Thủ tướng, có tham dự của Thanh tra Chính phủ (TTCP), các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Xây dựng, KH-ĐT, EVN.

(SGGPO). – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên vừa ký văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về việc xử lý sau thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Cuộc họp này diễn ra ngày 4-12 với sự chủ trì của Thủ tướng, có tham dự của Thanh tra Chính phủ (TTCP), các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Xây dựng, KH-ĐT, EVN.

Theo thông báo này, Thủ tướng đã chỉ ra nhiều ưu điểm, khuyến điểm của EVN nhưng chưa phát hiện có tiêu cực, tham nhũng. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đặt câu hỏi: "EVN cần xem lại vì sao hàng năm đều có kiểm toán nhưng không phát hiện được sai phạm, khuyết điểm để kịp thời có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh?". Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương, UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện các nội dung kiến nghị của TTCP.

Thủ tướng nhận xét, việc đầu tư ra ngoài Công ty mẹ của EVN chủ yếu là đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện, việc đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính chiếm tỷ lệ thấp (gần 2.000 tỷ đồng). Do đó, EVN cân nhắc tính toán hiệu quả việc thực hiện lộ trình thoái vốn đối với các khoản đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, không sơ hở để một số đối tượng trục lợi.

Thủ tướng yêu cầu EVN hạch toán đúng quy định pháp luật đối với 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động; đồng thời tiến hành rà soát, có biện pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai. Về việc xử lý các vấn đề liên quan đầu tư và chuyển giao EVN Telecom sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) - trong đó có việc thu tiền cáp treo viễn thông, Thủ tướng đã xem xét và có quyết định xử lý cụ thể.

Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài chính, Công thương về việc EVN thanh toán hơn 163 tỷ đồng chi phí khởi động lại lò do xảy ra sự cố phải ngừng hoạt động thuộc dự án Nhà máy nhiệt  điện Uông Bí; yêu cầu EVN và Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) rà soát, bổ sung các điều khoản hợp đồng EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng để có phụ lục hợp đồng nhằm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc liên quan đến dự án này.

Thủ tướng cũng đồng ý với ý kiến của Bộ Tài chính về việc hạch toán kinh phí mua xe ô tô vượt định mức và yêu cầu EVN phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc mua xe ô tô vượt định mức quy định. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Xây dựng rà soát khoản chi phí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành của ngành điện (trong đó có 6 dự án nguồn điện nêu trong kết luận thanh tra) cũng như đối với các Nhà máy, Khu công nghiệp khác; có hướng dẫn cụ thể và phù hợp, báo cáo Thủ tướng trong tháng 2-2014.

Đáng chú ý, tại thông báo này, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan (kể cả đối với cán bộ đã nghỉ hưu) trong việc Tổng công ty lắp máy Việt Nam kinh doanh thua lỗ và báo cáo Thủ tướng.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục