Liên hoan Nghệ thuật Đại học (NUS) lần thứ 14 năm nay mang chủ đề A Game Of Numbers, bao gồm các chương trình biểu diễn, các buổi nói chuyện và chiếu phim liên quan đến toán học và số liệu, được thể hiện bằng cách này hay cách khác. Diễn ra từ ngày 15-3 đến 23-3, nhân kỷ niệm 90 năm thành lập NUS, liên hoan là sự kết hợp giữa Trung tâm Nghệ thuật NUS và bộ phận toán học của Khoa Khoa học.
Tại sao lại là toán học? Theo bà Mary Loh, giám đốc lễ hội, hiện nay có rất nhiều sự quan tâm đến những thứ như bitcoin, blockchain và phân tích dữ liệu… cho thấy một thực tế rằng, toán học vẫn là một môn rất quan trọng trong trường học cũng như trong cuộc sống. Singapore có lợi thế là nằm trong tốp hàng đầu về giáo dục toán học. Bà nói thêm: “Có một điều rất tò mò là khi bạn hỏi bất kỳ ai, họ cũng sẽ nói rằng họ dở toán. Nhưng làm thế nào bạn dở khi mà bạn dùng nó mỗi ngày để nói về thời gian, hoặc khi bạn xác định với mọi người về các chỉ số như điểm trung bình GPA, chiều cao, cân nặng…
Tuy nhiên, trong chương trình khai mạc liên hoan có một bài giảng về toán ngắn gọn mang tên A Disappearing Number, theo đó tái hiện cuộc trò chuyện của giáo sư toán GH Hardy của Trường ĐH Cambridge (Anh) và nhà toán học tự học Srinivasa Ramanujan, người đã thực hiện một số phát hiện toán học quan trọng trong thế kỷ trước.
Bà Loh hài hước, chương trình bắt đầu bằng một bài giảng toán học, chắc chắn sẽ chạm vào nỗi sợ hãi của khán giả ngay từ đầu. Tuy nhiên, vào cuối ngày, người xem sẽ thật sự có một câu chuyện về toán, tình yêu, những mối quan hệ, hy vọng và niềm tin. Những trải nghiệm đó được truyền tải qua các chương trình như Behalf, do vũ công đương đại Đài Loan Chen Wu-kang và bậc thầy múa người Thái Pichet Klunchun biểu diễn (ảnh); Dance’s 28 của NUS Ấn Độ; The Child Who Loved Numbers, một bộ phim truyền hình Trung Quốc. Buổi hòa nhạc kết thúc bằng tác phẩm The Art Of War do ban nhạc Trung Quốc NUS biểu diễn.
Theo Channel News Asia, để chuẩn bị cho chương trình, các giảng viên toán học đã nói chuyện với các nghệ sĩ để giải thích một số khái niệm mà họ phải hợp tác với nhau. Bà Loh cho biết, họ có niềm đam mê khi giải thích toán học cho các nghệ sĩ cũng như khi các nghệ sĩ nói về nghệ thuật. Theo bà Loh, quan niệm trước nay về phân chia não trái và não phải hoàn toàn lỗi thời. Thực tế, bạn không thể làm nghệ thuật mà không cần đến toán học. Nếu bạn không có các con số như 5, 6, 7, 8, bạn không thể nhảy hoặc chơi nhạc. Nghệ thuật hữu hình dựa trên sự đối xứng, như chuỗi Fibonacci (số nhị phân). Còn Tỷ lệ vàng của sắc đẹp (Golden Ratio) không thể tồn tại mà không cần toán học. Đồng thời, có một loại nghệ thuật nhất định trong toán học, chẳng hạn như sự cân bằng.
Theo các nhà tổ chức, cả hai môn học đều có chung mục tiêu là để cố gắng cảm nhận thế giới xung quanh ta. Để giải thích sự vật xung quanh như thế nào, để tìm mô hình chung của sự vật. Quá trình tư duy nghệ thuật và tư duy toán học khá giống nhau, đó là quá trình thử tưởng tượng điều gì đó và dành thời gian để chứng minh điều đó.
Nhưng với câu hỏi quan trọng nhất “Liệu sau khi xem các chương trình tại liên hoan có giúp mọi người cải thiện khả năng toán học không?”, bà Loh cười lớn: “Tôi không nghĩ các chương trình sẽ cải thiện môn toán cho mọi người. Nhưng chắc chắn, ít nhất nó sẽ giúp bạn có cái nhìn khác về toán học”.