Thư viện quận huyện tại TPHCM - Giải pháp văn hóa đọc cộng đồng

Thiếu khó, thừa cũng khó
Thư viện quận huyện tại TPHCM - Giải pháp văn hóa đọc cộng đồng

Tại hội nghị về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”, hệ thống thư viện được nhắc đến như một phần quan trọng trong hoạt động đưa sách đến người dân, góp phần nâng cao văn hóa đọc. Thực tế hoạt động thư viện ở TPHCM đã cho thấy những giải pháp nhằm giúp hệ thống thư viện hoạt động có hiệu quả hơn trong bối cảnh hiện nay.

Thiếu nhi huyện Cần Giờ đọc sách

Thiếu khó, thừa cũng khó

Một trong những vấn đề khó khăn nhất của hệ thống thư viện công cộng quận huyện tại TPHCM hiện nay là thiếu hấp dẫn đối với bạn đọc. Nguyên nhân của việc thiếu hấp dẫn này lại khác hẳn, thậm chí là ngược nhau.

Tại Cần Giờ, trước khi Fahasa mở nhà sách tại đây thì khu vực này gần như không có một cửa hàng sách đúng nghĩa nào hoạt động, chỉ có một cửa hiệu nhỏ cho thuê sách gắn liền kinh doanh nhiều mặt hàng khác. Thư viện huyện nằm trong trung tâm văn hóa mới xây tuy có khuôn viên đẹp nhưng lượng sách lại quá ít, cập nhật rất chậm nên chủ yếu là sách cũ, chỉ cần một thời gian ngắn là bạn đọc có thể đọc hết sách mình thích và sau đó là không còn gì để đọc! Đó là chưa kể do điều kiện đặc thù, nhiều xã của Cần Giờ nằm khá xa, để đến được thư viện là một việc rất khó khăn. Chính vì thế, bạn đọc đặc biệt là thiếu nhi luôn trong tình trạng khan hiếm sách đọc.

Thư viện quận 1 tọa lạc ngay tại trung tâm TP, trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa quận 1 (số 6 Mạc Đĩnh Chi), vị trí thuận lợi, lượng sách tương đối nhưng vẫn vắng bạn đọc. Xung quanh thư viện có ít nhất 4 nhà sách thuộc loại lớn như nhà sách Fahasa, Thăng Long, Phương Nam, Thành Nghĩa… đều là những nơi mà thư viện không thể cạnh tranh về cả về số lượng cũng như đầu sách mới. Đó là chưa kể cách thư viện chưa đến 1km là Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM, một trong những thư viện có quy mô lớn nhất nước. Việc bạn đọc không đến với thư viện quận cũng là điều dễ hiểu.

Chính vì sự khác biệt lớn như vậy về nhu cầu đọc cũng như khả năng phục vụ nên thời gian qua đã có nhiều ý kiến đề xuất xóa bỏ mô hình mỗi quận huyện một thư viện như hiện nay. Thay vào đó là tập trung đầu tư thư viện theo từng cụm, nhiều quận huyện một thư viện có quy mô lớn, đầu tư cao.

Đưa sách đến tay người đọc

 

* Một trong những vấn đề khó khăn hiện nay là việc chọn lựa nguồn sách cung cấp cho các thư viện, nhất là sách thiếu nhi. Sách thiếu nhi có nội dung hay, giá trị giáo dục quá ít, đặc biệt là sách của các tác giả trong nước. Chủ yếu hiện nay trên thị trường là sách dịch từ nguồn sách nước ngoài với các yếu tố văn hóa khác biệt nên rất khó cho những người chọn sách. Nguyên nhân do nguồn bản thảo trong nước quá ít, đó là chưa kể bản thảo có chất lượng. Vì thế để có 1 tác phẩm nội thì NXB phải đầu tư gần như từ đầu, tốn kém về kinh phí, nhân lực nên không thể làm với số lượng lớn.

 

Thay vì chờ bạn đọc đến với thư viện, hiện nay những người làm thư viện đang tìm cách mang thư viện đến với bạn đọc. Từ năm 2007, Thư viện Khoa học tổng hợp đã tổ chức xe thư viện số lưu động được đầu tư trang bị công nghệ kỹ thuật để đem đến nhiều lợi ích hơn nữa cho người sử dụng thư viện hiệu quả, nhanh chóng, thuận tiện không chỉ qua việc cung cấp sách báo mà còn dùng công nghệ tự động hóa công tác phục vụ bạn đọc, công tác tra cứu thông tin tư liệu qua nhiều hình thức. Thư viện số lưu động đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thư viện TP, không chỉ phục vụ bạn đọc, nâng cao kiến thức, kỹ thuật mà còn là nơi giúp các nhân viên thư viện nâng cao năng lực phục vụ bạn đọc, thu thập thông tin nhu cầu đọc của các địa phương và tìm kiếm nguồn nhân lực tình nguyện.

Từ cơ sở đó, năm 2010 Thư viện Khoa học tổng hợp đã đưa vào hoạt động mô hình “Thư viện đến với trường học”. Theo đó, đối với các trường ở vùng xa, nơi thư viện trường chưa đủ mạnh, thư viện đã chủ động phối hợp với thư viện trường nhằm cung cấp sách tham khảo, sách phù hợp nhu cầu học tập, giải trí học sinh. Bên cạnh đó còn phối hợp với trường tổ chức ngày hội đọc sách, hướng dẫn các em cách đọc, cách chọn và bảo quản sách.

Thay vì xây dựng các thư viện theo tiêu chuẩn vốn đòi hỏi nhiều kinh phí, nhân lực, mô hình phòng đọc sách tại các xã nông thôn mới cũng là một nỗ lực đưa sách đến với cộng đồng hiệu quả. Điểm đặc thù của phòng đọc sách là gắn kết với nhu cầu của từng địa phương như ở xã nông nghiệp trồng lúa thì tập trung nhiều sách hướng dẫn nông nghiệp, xã làm hàng thủ công thì các loại sách liên quan đến kỹ thuật… Ngoài ra, phòng đọc sách còn là nơi cung cấp các thông tin cần thiết như luật, xã hội… từ đó giúp người dân cảm thấy thân thiết, quan tâm đến phòng đọc sách và hình thành nhu cầu ham thích đọc sách.

Hiện nay, thư viện điện tử đang là một mô hình mới, hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích cho các thư viện quận huyện do ưu thế đặc thù của sách điện tử (ebook) như giá rẻ, dễ vận chuyển, tiếp cận… Hiện nay, Thư viện Khoa học tổng hợp đang xây dựng kế hoạch đầu tư trang bị phần mềm quản lý thư viện điện tử cho 5 thư viện huyện (Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè).

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục