(SGGP).- Đó là một trong những thực tế được nêu ra tại hội nghị lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại (viết tắt TPL) tại TPHCM do Bộ Tư pháp tổ chức. Chẳng hạn như hoạt động xác minh địa chỉ, nơi cư trú, điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.
Đại diện Văn phòng TPL quận Bình Thạnh cho biết đây là hoạt động đáp ứng nhu cầu rất lớn của xã hội và cũng phục vụ cho công tác xét xử của tòa án. Thế nhưng, nhiều cơ quan (như ngân hàng, tổ chức tín dụng, công an, cơ quan thuế…) viện lý do các văn phòng TPL không phải là cơ quan Nhà nước, chưa có quy định pháp luật về việc cung cấp thông tin nên từ chối việc xác minh của TPL. Bên cạnh đó, theo đại diện Văn phòng TPL quận 10, do cách hiểu của các tòa án, thậm chí các thẩm phán trong cùng một tòa án về thủ tục tống đạt khác nhau khiến việc tống đạt văn bản của văn phòng TPL gặp khó...
TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm chế định TPL. Sau gần 3 năm chính thức đi vào hoạt động, các văn phòng TPL đã tống đạt 134.199 văn bản cho tòa án và các cơ quan thi hành án dân sự, lập và đăng ký tại Sở Tư pháp TP 9.053 vi bằng - tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong thực hiện các giao dịch dân sự và trong các quá trình tố tụng tư pháp, thực hiện 257 vụ việc xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành xong 50 vụ việc. Hiệu quả hoạt động TPL bước đầu chứng minh đây là một hướng đi đúng về xã hội hóa hoạt động tư pháp, hoạt động thi hành án dân sự.
Do vậy, trong thời gian tới, chế định này sẽ được tiếp tục thực hiện thí điểm tại TPHCM và có thể thực hiện thí điểm mở rộng tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang, An Giang.
Ái Chân