Thừa Thiên - Huế ra sao sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?

Chiều 29-12, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức hội thảo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và mô hình đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại hội thảo, Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên – Huế đưa ra 2 phương án thành lập các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, phương án 1 có 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện.

Theo đó, TP Huế hiện tại nhập xã Hương Thọ và phường Hương Hồ thành 1 phường mới; nhập xã Hải Dương và phường Thuận An thành 1 phường mới; thành lập 1 phường mới trên cơ sở địa giới hành chính 3 xã Phú Thanh, Phú Mậu, Phú Dương; thành lập phường Thủy Bằng và phường Hương Phong trên cơ sở địa giới hành chính xã Thủy Bằng, xã Hương Phong.

Sau khi sắp xếp, thành lập phường, TP Huế có 32 phường, chia thành 2 quận: Quận phía Bắc gồm 13 phường; diện tích tự nhiên 127,005km2; dân số 200.838 người. Quận phía Nam gồm 19 phường; diện tích tự nhiên 139,408km2; dân số 290.518 người.

TP Huế hiện tại dự kiến sẽ chia làm 2 quận

TP Huế hiện tại dự kiến sẽ chia làm 2 quận

Ngoài ra, Thừa Thiên - Huế khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương còn có quận Hương Thủy, 2 thị xã Hương Trà và Phong Điền, 4 huyện Quảng Điền, Phú Vang, A Lưới, Phú Lộc - Nam Đông.

Phương án 2 gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. Cụ thể từ phương án 1, giữ nguyên hiện trạng thị xã Hương Thủy.

Về tên gọi thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên – Huế đề xuất 2 phương án, trong đó phương án thứ nhất lấy tên là TP Huế, phương án 2 là TP Thừa Thiên - Huế.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nhìn nhận, hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng để tỉnh Thừa Thiên-Huế hoàn thiện các định hướng, phương án, lựa chọn mô hình đô thị trực thuộc Trung ương phù hợp. Đồng thời, xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp phát triển toàn diện tỉnh Thừa Thiên-Huế những năm đến.

Tin cùng chuyên mục