Thừa và thiếu

Tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, chính quyền xã đã vận động một số nhà hảo tâm trên địa bàn thực hiện một sân bóng chuyền, một sân bóng đá mini phục vụ nhu cầu tập luyện của bà con. Các sân nằm trên mảnh đất ven kênh Xáng, chỉ vài trăm mét vuông nhưng cũng phải mất đến gần 5 năm mới hình thành để thanh niên trong xã có nơi chơi thể thao mỗi buổi chiều.

Trong khi đó, trung tâm thể thao cấp 1 là nhà thi đấu Phan Đình Phùng tọa lạc ngay ở vị trí “đất vàng” lại đang than vì không cân đối nổi chi phí hoạt động. Lãnh đạo trung tâm này cho biết, mỗi năm phải tổ chức cả trăm giải thi đấu lớn bé nhưng gần như nguồn thu không bảo đảm, phải bổ sung từ việc cho thuê một phần nhỏ diện tích kinh doanh cà phê.

Cũng theo lãnh đạo trung tâm này thì dù có diện tích không lớn nhưng phải hoàn thành đến 4 nhiệm vụ từ đỉnh cao đến phong trào. Phải chăng vì “ôm” quá nhiều việc mà tại Trung tâm Phan Đình Phùng cái gì cũng có nhưng thường ít hiệu quả.

Sân tập bóng rổ thì kiêm bãi giữ xe. Khuôn viên để tập trung người thì có thêm quán cà phê. Khu vực đường chạy điền kinh lại chia sẻ với trò chơi vận động tập leo núi. Rồi có cả sân tennis, văn phòng làm việc. Nhà thi đấu trung tâm thì nhận tổ chức thêm sự kiện ngoài thể thao. Tóm lại, dù là một trong số ít trung tâm thi đấu đỉnh cao chủ lực của thành phố nhưng nhà thi đấu Phan Đình Phùng lại gánh vác thêm chức năng phát triển phong trào.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở cấp quận thì Trung tâm thể thao Hồ Xuân Hương mới là nơi tập luyện phong trào của người dân quận 3, nhưng tại đây đang hình thành một loạt sân cỏ nhân tạo thi đấu bóng đá. Nếu dự án xây dựng trung tâm Phan Đình Phùng mới (đã được duyệt từ năm 2010) tiến hành thì diện tích dành cho thể thao phong trào ở quận 3 đã ít lại còn teo tóp thêm.

Huyện vùng ven thì nhiều đất, nhưng không có kinh phí lẫn con người để phát triển thể thao phong trào vốn được xem là thế mạnh của các khu vực ngoại thành. Trong khi cơ sở cấp quốc gia lại kiêm nhiệm phần việc của phong trào. Từ 2 ví dụ cụ thể đó đã cho thấy sự chưa hợp lý của việc sắp xếp cơ sở vật chất trên địa bàn thành phố.

Không phải vô cớ mà ngành thể thao triển khai phân bổ các môn thể thao trọng điểm về cho các trung tâm cấp 1 quản lý, bởi như vậy mới khai thác tối đa công năng, nhưng tại cơ sở thì lại đau đầu giải quyết bài toán thu chi trong hoạt động. Muốn đảm nhiệm nhiều chức năng thì phải có tiền “nuôi sống” theo cơ chế khoán tự thu - chi. Nhưng làm như vậy thì sẽ phải “lấn” thời gian cũng như diện tích phục vụ thể thao phong trào. Còn nếu tách phần phong trào ra thì trong thực tế đang thiếu diện tích công viên, khu vực thể dục công cộng như hiện nay thì người dân thành phố sẽ cực kỳ vất vả tìm nơi tập luyện sức khỏe.

Trao đổi với chúng tôi, những nhà quản lý các cơ sở vật chất đều cho rằng vấn đề nằm ở cơ chế hoạt động cũng như việc phân bổ ngân sách hợp lý. Không thể yêu cầu các trung tâm “vừa bế em, vừa thổi lửa” như hiện nay sẽ dẫn đến phong trào không tốt mà đỉnh cao cũng chẳng chuyên sâu.

Việt Quang

Tin cùng chuyên mục