Thúc bách đầu tư vào nông nghiệp nông thôn

Trung tuần tháng 9 vừa qua, tỉnh Bến Tre tổ chức Diễn đàn thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp, là sự có mặt đầy đủ của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, do đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre điều hành. Điều đó cho thấy đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đang thực sự thúc bách.

Nếu chỉ nhìn từ Bến Tre, một tỉnh thuần nông, kinh tế nông nghiệp chủ lực là cây dừa, bưởi, chôm chôm và nhãn, nhưng số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn khiêm tốn (451 doanh nghiệp, chiếm 17% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động) thì có thể hình dung ra bức tranh đầu tư nông nghiệp toàn ngành hiện nay. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính hết quý 2-2018, cả nước có khoảng hơn 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Tại ĐBSCL, theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), hiện nay, số vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp của vùng ĐBSCL khoảng 250 triệu USD với 44 dự án; số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL chỉ chiếm khoảng 2% về số lượng và 5% về vốn trong tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập tại vùng này. Với tỷ lệ doanh nghiệp tham gia còn khá khiêm tốn, phần lớn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, cho thấy nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn ở các địa phương là rất lớn.

Câu hỏi đặt ra là vì sao nông nghiệp là thế mạnh, xuất khẩu nông thủy sản luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu nhưng đầu tư vào đây lại thấp? Có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến thu hút đầu tư vào nông nghiệp vùng ĐBSCL còn khiêm tốn. Đó là, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trong vùng còn hạn chế, hạ tầng giao thông nông thôn lại càng kém hơn, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL khá lớn, nhưng lại manh mún, phân tán, được giao cho từng nông hộ sử dụng canh tác nhỏ lẻ, trong khi nhà đầu tư cần diện tích đất quy mô lớn, sản xuất tập trung để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, do phụ thuộc vào thời tiết, chi phí đầu vào, giá cả đầu ra không ổn định... Trong khi đó, các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa đột phá. Ngoài ra, một nguyên nhân khiến doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL ít và yếu còn do các ngân hàng “ngại” cho vay ở lĩnh vực này, bởi sản xuất nông nghiệp rủi ro nhiều, thu hồi nợ khó, tài sản thế chấp chủ yếu là đất đai, diện tích tuy lớn nhưng giá trị thấp... Các chuyên gia cũng cho rằng, về mặt vĩ mô, Nhà nước cần đầu tư quy hoạch lại cơ cấu ngành nông nghiệp cho hợp lý với nhu cầu thị trường để hạn chế tình trạng có sản phẩm không đủ hàng để bán, nhưng lại có nhiều sản phẩm dư thừa phải bán rẻ hoặc đổ bỏ. Về mặt thị trường, không nên phụ thuộc vào một thị trường duy nhất mà phải có chiến lược ngoại giao kinh tế, đa dạng hóa thị trường để tăng giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản.

Trước tình trạng lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn khá khiêm tốn, tháng 4-2018 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP (Nghị định 57) về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thay thế cho Nghị định 210/2013/NĐ-CP. Điều này cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện vấn đề thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Theo nhận định của các chuyên gia, so với Nghị định 210 thì Nghị định 57 được đánh giá phù hợp hơn với thực tế phát triển của ngành nông nghiệp. Nghị định 57 đã có thay đổi nhiều cơ chế hỗ trợ, từ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền sang hỗ trợ về cơ chế như: miễn tiền thuê đất, cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ đào tạo... Một số hỗ trợ trực tiếp chỉ còn tập trung vào một số sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cần khuyến khích phát triển. Bên cạnh đó, đối tượng được nhận ưu đãi cũng mở rộng hơn, điều kiện nhận hỗ trợ thấp hơn trước.

Vấn đề hiện nay là việc tiếp cận, thực thi chính sách trên liệu có dễ dàng? Đây cũng đang là nỗi băn khoăn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Bởi thực tế cho thấy, không chỉ riêng ngành nông nghiệp, nhiều chính sách của Nhà nước ban hành vẫn chưa thực sự đến với đối tượng hưởng lợi cuối cùng với nhiều lý do khác nhau. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động sâu vào sản xuất nông nghiệp, Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp… thì việc tìm giải pháp hiệu quả cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là mở đường cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực trọng yếu này là hết sức cần thiết. Nói như Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo: “Nếu như nông dân chưa trở thành chủ thể của chuỗi giá trị sản xuất, và nông nghiệp thiếu vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp, thì khó có thể làm thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ bao đời nay!”.

Tin cùng chuyên mục