Tuy nhiên trên cùng hướng tuyến, cầu Vàm Cống (bắc qua sông Hậu, nối liền Đồng Tháp và Cần Thơ) vẫn nằm chờ vì sự cố nứt dầm treo, làm gián đoạn tuyến đường từ Kiên Giang qua Đồng Tháp Mười lên TPHCM. Không chỉ có thế, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn đang ì ạch, luồng cho tàu biển vào sông Hậu cũng gặp khó khiến hạ tầng giao thông ĐBSCL chưa thể thông suốt.
Sự cố nứt dầm treo cầu Vàm Cống đã làm chậm tiến độ toàn bộ dự án
Đường bộ chờ kết nối
Theo Bộ GTVT, giai đoạn từ năm 2010 đến nay, vùng ĐBSCL đã được đầu tư hoàn thành 46 dự án giao thông (chủ yếu là đường bộ: 39 dự án), với tổng vốn đầu tư khoảng 76.462 tỷ đồng. Ngoài ra, 19 dự án đường bộ đang tiếp tục triển khai gồm: 5 dự án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư 2.127 tỷ đồng, 3 dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư 3.880 tỷ đồng, 5 dự án sử dụng nguồn vốn ODA với tổng mức đầu tư 39.375 tỷ đồng, 6 dự án BOT với tổng mức đầu tư 20.728 tỷ đồng. Các công trình đã hoàn thành cấp bách, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng cho vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, như cầu Cần Thơ, Hàm Luông, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Năm Căn; tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường Nam Sông Hậu…
Theo đánh giá của ngành giao thông và lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng, hạ tầng giao thông dù đã có bước phát triển nhưng còn nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ. Lớn nhất là nút thắt của trục giao thông chính - cao tốc TPHCM đi Cần Thơ. Trục này có 2 dự án, 1 là Trung Lương đi Mỹ Thuận với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng và thứ 2 là dự án Mỹ Thuận đi Cần Thơ với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Thời gian qua, người dân đã lên tiếng rất nhiều về đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Chính phủ đã nhiều lần làm việc với các địa phương ở ĐBSCL và các nhà đầu tư nhưng vướng mắc chính là ở khâu vốn và cơ chế, chính sách.
Tại buổi kiểm tra hiện trường công trình xây dựng nút giao thông Thân Cửu Nghĩa thuộc dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu chủ đầu tư khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án và phải hoàn thành vào năm 2020. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các ngân hàng phải đáp ứng nhu cầu vốn cho dự án.
Với tuyến N2 (kết nối trung tâm ĐBSCL), sự cố nứt dầm treo cầu Vàm Cống đã làm chậm tiến độ toàn bộ dự án. Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, hiện nay Bộ GTVT vẫn đang tìm nguyên nhân để đưa ra phương án tối ưu nhất. Một nút thắt khác là tuyến quốc lộ 60 nối quốc lộ 1 từ Trung Lương qua Bến Tre về Trà Vinh, Sóc Trăng. Quãng đường này sẽ rút ngắn được khoảng 70km từ Cà Mau đi TPHCM. Tuyến này phải làm sớm cầu Đại Ngãi và cầu Rạch Miễu 2. Tuy nhiên, cầu Đại Ngãi mới chỉ khởi động và cầu Rạch Miễu 2 thì nhà đầu tư… từ chối.
Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ trình Chính phủ xin được hỗ trợ để mua lại dự án mở rộng, nâng cấp 4 đoạn trên tuyến quốc lộ 60, sau đó tỉnh sẽ xin chủ trương cho đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 theo hình thức PPP (hợp tác công tư) thông qua đấu thầu, nhằm giảm áp lực giao thông cho Bến Tre.
Đường thủy luồng chưa thông
Theo báo cáo của UBND tỉnh Trà Vinh, từ khi khai thông luồng tàu biển vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố, hiện nay tình hình an ninh trật tự khu vực hai bờ kênh Quan Chánh Bố rất phức tạp, người dân bức xúc do tình trạng sạt lở bờ kênh, tàu lớn chạy gây sóng mạnh làm nước tràn vào các ao tôm, nhà ở… dẫn đến việc người dân ngăn cản không cho duy tu tuyến luồng, khiếu kiện đông người. Việc thay đổi dòng chảy gây bồi lắng ảnh hưởng đến việc hành nghề đóng đáy của người dân.
Đoạn kênh mới đào cắt qua quốc lộ 53, tỉnh lộ 913 làm các xã Đông Hải, Long Vĩnh, Long Khánh và thị trấn Long Thành biến thành các xã đảo. UBND tỉnh Trà Vinh đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT hỗ trợ đầu tư dự án trên địa bàn các xã này nhằm ổn định cuộc sống của người dân, với tổng nhu cầu vốn khoảng 1.829 tỷ đồng; đề nghị Bộ GTVT sớm triển khai giai đoạn 2 dự án, xây dựng bờ kè, đê chắn sóng kết hợp xây dựng đường giao thông dọc kênh.
Theo lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, việc đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các tỉnh trong khu vực; làm giảm chi phí vận chuyển rất lớn cho các doanh nghiệp, giảm đáng kể áp lực giao thông lên TPHCM. Tuy nhiên, hậu quả của những tác động bất lợi từ dự án cũng khiến tỉnh Trà Vinh gánh chịu nặng nề nhất.
Trong khi đó, tuyến đường thủy huyết mạch nối ĐBSCL với TPHCM là kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Dự án đầu tư nâng cấp kênh Chợ Gạo được Bộ GTVT triển khai từ năm 2009. Sau nhiều lần điều chỉnh quy mô đầu tư, đến năm 2013, dự án mới triển khai giai đoạn 1. Hiện giai đoạn 2 vẫn chưa được thi công, dẫn đến tình trạng bị động trong công tác khắc phục, phòng chống sạt lở, gây bức xúc cho người dân và chính quyền địa phương. Hiện nhiều đoạn sạt lở đã ăn sâu, làm mất một phần tuyến đường.
Một số nhà cách mép kênh Chợ Gạo cả chục mét giờ lại nằm sát mép kênh và có thể bị cuốn sụp bất cứ lúc nào. Tại đây đã xảy ra 3 vụ tai nạn chết người do người dân đi lại và bị rơi xuống kênh. Do lưu lượng tàu thuyền qua lại nhiều, tình trạng sạt lở càng gia tăng. Người dân và chính quyền địa phương đều bất lực, mong dự án sớm được thi công giai đoạn 2. Đặc biệt, khi hoàn thành dự án, tuyến đường thủy nội địa này có khả năng vận chuyển hàng gấp 20-30 lần so với đường bộ, với chi phí, giá cước rẻ, giảm tải hữu hiệu cho đường bộ.