Tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn TPHCM vẫn có chiều hướng gia tăng, thậm chí có nơi nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện dân sinh. Trước thực tế đó, TPHCM đã huy động nhiều nguồn lực trong xã hội để tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Cấp bách giải quyết những điểm nóng
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, hiện TPHCM đang phải đối mặt với nhiều thách thức như ngập úng đô thị, suy giảm chất lượng nước mặt và nước ngầm, ùn tắc giao thông, lượng chất thải rắn đô thị lớn… Để có thể cải thiện thực trạng này, rất nhiều giải pháp cần thực hiện sớm và đồng bộ. Cụ thể, thiết lập một kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng hiệu quả, nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu trong giao thông vận tải; quản lý nguồn nước bền vững; xử lý nước thải công nghiệp, quy hoạch đô thị và quản lý chất thải; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý chất thải nguy hại và dự án thu hồi năng lượng từ rác trong lĩnh vực quản lý chất thải; xử lý bùn thải từ các nhà máy xử lý nước.
Doanh nghiệp Việt Nam được Nhật Bản hỗ trợ sản xuất theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: CAO THĂNG
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết, trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, toàn TP đã thực hiện nhiều công trình hạ tầng góp phần giảm thiểu lượng khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, như tăng diện tích cây xanh và mặt nước, sử dụng điện một cách có hiệu quả trong sản xuất và sinh hoạt, phát triển năng lượng tái tạo (mặt trời, gió và sinh học), xây dựng hệ thống xe buýt sử dụng khí sinh học, triển khai việc sử dụng xăng sinh học E5, giảm lượng nước sạch rò rỉ, xử lý nước thải, chất thải rắn, sử dụng vật liệu không nung…, góp phần làm giảm hàng trăm ngàn tấn CO2 mỗi năm. Các hoạt động thực hiện kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu của TP đang tạo nên các tiền đề tích cực cho giai đoạn tiếp theo như chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở quận 1, dự án xây dựng nhà máy đốt chất thải rắn phát điện…
Tăng cường hợp tác quốc tế
Cũng theo ông Đào Anh Kiệt, song song với nội lực tự cải thiện chất lượng môi trường, TP còn tận dụng đáng kể nguồn ngoại lực thông qua các chương trình ký kết, hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới để được hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Điển hình như chương trình hợp tác giữa TPHCM và TP Osaka (Nhật Bản) trong việc triển khai dự án “Phát triển thành phố carbon thấp”. Dự án cho phép tính toán chính xác mức độ phát thải CO2 của TP. Nguyên nhân phát sinh nguồn thải. Từ đó, xác định mục tiêu giảm thiểu phát thải và đề xuất chính sách, giải pháp hành động để đạt mục tiêu trên. Ngoài ra, với cơ chế tín dụng chung (JCM - Joint Crediting Mechanism) đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam được hỗ trợ tài chính để đổi mới hoạt động sản xuất theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh, trong thời gian qua, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng được mở rộng và phát triển mạnh mẽ, đa dạng với các chương trình, hoạt động, các dự án có tính thực tế cao. Nhật Bản là một trong những nhà tài trợ hàng đầu cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về cơ chế tín chỉ chung JCM. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản để có được các công nghệ tiên tiến, ít phát thải carbon, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Phía Nhật Bản đã đưa các chuyên gia, trung tâm sang Việt Nam để tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến. Đồng thời, hỗ trợ tài chính để các doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư. Điều đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam có thể chi trả chi phí hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ cho phía Nhật Bản bằng chính chi phí năng lượng tiết kiệm được từ việc sử dụng công nghệ hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường, phát huy mô hình trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xúc tiến tăng cường sự hợp tác không chỉ giữa cấp thành phố với thành phố, mà còn cần có sự hợp tác giữa các trung tâm nghiên cứu và đào tạo, giữa các doanh nghiệp và giữa các cụm dân cư với nhau. Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cần tranh thủ sự hỗ trợ về khoa học, công nghệ ít phát thải nhà kính của các nước trên thế giới. Điều này sẽ góp phần quan trọng cho việc xây dựng xã hội ít phát thải carbon.
MINH HẢI