Thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản: Hành động để khai thông thị trường

Dù sản xuất trong nước vẫn giữ đà tăng trưởng, nhưng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang sụt giảm và đối diện với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo SGGP, nhận định, cuối quý 2-2023 sẽ là thời điểm xuất khẩu phục hồi, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng phải tập trung đón bắt cơ hội này.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến

PHÓNG VIÊN: Ông cho biết những số hiệu mới nhất về tình hình sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước trong 4 tháng đầu năm 2023?

Thứ trưởng PHÙNG ĐỨC TIẾN: Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 2,637 triệu tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2022. Còn với lúa gạo, tính đến ngày 15-4, các địa phương ở phía Nam đã thu hoạch được 1.568.400ha lúa đông xuân, chiếm 83,3% diện tích gieo cấy và bằng 102,9% so với cùng kỳ; năng suất đạt tới 72 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha; sản lượng ước đạt 10,6 triệu tấn.

Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu nhiều mặt hàng vẫn còn khó khăn, nhất là với thủy sản và lâm sản. Trong quý 1-2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ; xuất siêu vẫn duy trì nhưng chỉ đạt 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng xuất khẩu thủy sản giảm tới 29%, lâm sản giảm 28,3%.

Vì sao các năm 2021-2022, bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng chúng ta vẫn lập kỷ lục xuất khẩu, còn hiện dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng lại chồng chất khó khăn, thưa ông?

Nguyên nhân xuất khẩu sụt giảm là do tình hình chung của thế giới. Sau đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát và xung đột Nga - Ukraine dẫn đến các thị trường nhập khẩu thắt chặt chi tiêu, giảm nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, sau đại dịch, nhiều nước tái xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường. Ở trong nước, nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới cho năm 2023. Dự báo năm 2023, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại và Bộ NN-PTNT xác định tình hình xuất khẩu sẽ khó khăn do lãi suất cao, hạn mức tín dụng ngân hàng hạn chế, sức tiêu thụ của thị trường giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng…

Tuy nhiên, qua các dữ liệu xuất khẩu cho thấy, trong tháng 3 và 4, mức độ suy giảm xuất khẩu đã nhẹ hơn so với tháng 1 và 2. Điều này cho thấy, tín hiệu xuất khẩu có thể dần khả quan hơn về cuối năm, không còn màu xám như đầu năm. Quý 2-2023, Bộ NN-PTNT hướng đến mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành đạt 2,9-3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 14 tỷ USD. Bộ NN-PTNT xác định, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy, hành động nhanh để khai thông thị trường, tạo động lực tăng trưởng.

Vậy Bộ NN-PTNT có những giải pháp cụ thể gì?

Để đón bắt cơ hội, không chỉ các doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm đối tác, khai thác thị trường, mà chính các cơ quan quản lý cũng phải tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi, thủ tục thông thoáng nhất để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Theo đó, cơ quan chức năng cần rà soát lại các thủ tục vướng mắc, những quy định còn bất cập. Theo tôi, cần hạn chế tối đa thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường trong nước cũng như thế giới, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Đối với các doanh nghiệp, cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực sang thị trường mới; cần nghiên cứu thị trường nào tiềm năng thì đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài, cùng với đảm bảo an toàn chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, trong tháng 3 và 4, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương đã tổ chức một số hội nghị, diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản với các địa phương ở Trung Quốc, với các tham tán, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và trong quý 2, quý 3-2023 sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình này. Trong quý 2-2023, sẽ tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Vương quốc Anh nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vương quốc Anh.

Bộ NN-PTNT cùng Bộ Công thương cũng sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. Đồng thời, Bộ NN-PTNT cùng các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản đang vào vụ thu hoạch, nhất là trái cây. Bộ NN-PTNT cũng sẽ trình Chính phủ đề xuất xây dựng nghị định quản lý thương hiệu nông sản quốc gia Việt Nam, tổ chức các diễn đàn hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản và triển khai dự án “Điều tra thực trạng chế biến nông sản gắn với sản xuất nguyên liệu và nhu cầu thị trường”.

Tổng hợp: VĂN PHÚC - Đồ họa: NGỌC TRÂM

Tổng hợp: VĂN PHÚC - Đồ họa: NGỌC TRÂM

Ông NGUYỄN VĂN VIỆT, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT):

Thêm khó khăn, phải tìm lối đi mới

Khó khăn lớn nhất mà ngành nông nghiệp cần tháo gỡ hiện nay là vấn đề về thị trường, qua đó thúc đẩy sản xuất, đồng thời giảm áp lực giá vật tư nông nghiệp đầu vào để ổn định sản xuất. Cùng với đó, việc thúc đẩy tiêu thụ nội địa để giảm nông sản tồn đọng cũng cần quy hoạch để ổn định sản xuất trong nước. Cần nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, cây có múi… bằng cách chỉ đạo rải vụ cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ; kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi; có biện pháp chỉ đạo kịp thời, tránh tình trạng tăng đột biến về giá cả. Bộ NN-PTNT sẽ nghiên cứu, đề xuất kế hoạch xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bắp, củ mì) tập trung tại một số khu vực có tiềm năng như Tây Nguyên, miền núi phía Bắc.

Trong lĩnh vực thủy sản sẽ kiểm tra, theo dõi việc thi hành pháp luật về thủy sản tại các địa phương, ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Theo kế hoạch, cuối tháng 5 này, Đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra tiến độ tháo gỡ thẻ vàng thủy sản. Mặt khác, theo dõi diễn biến của thời tiết, dự báo ngư trường, nhu cầu của thị trường để kịp thời chỉ đạo sản xuất nuôi trồng, khai thác thủy sản hiệu quả, đạt các mục tiêu kế hoạch năm.

Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam:

Cơ cấu thị trường xuất khẩu, sản phẩm cho phù hợp

Các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm, cân đối nguồn nguyên liệu, tài chính để giữ được khách hàng truyền thống, sẵn sàng nguồn cung khi thị trường hồi phục trở lại; tiếp tục điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu, cơ cấu sản phẩm sao cho phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay. Đồng thời chủ động nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu ra các thị trường nhằm tận dụng năng lực chế biến, tăng kim ngạch xuất khẩu và duy trì việc làm ổn định cho người lao động; tận dụng ưu đãi hơn nữa thuế quan của các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới; tích cực tham gia các hội chợ quốc tế, chương trình giao thương, tìm hiểu đối tác để tăng đơn hàng.

Ông PHAN VĂN TÂM, Giám đốc hành chính nhân sự, Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (tỉnh Cà Mau):

Mong hỗ trợ mở rộng mô hình nuôi tôm sinh thái

Đến cuối tháng 4-2023, công ty xuất khẩu được 50,7 triệu USD, giảm 55% so với cùng kỳ năm 2022; về sản lượng xuất khẩu được 4.050 tấn, giảm 52% so với cùng kỳ. Trong khi đó, hiện tôm thẻ chân trắng rất khó cạnh tranh vì giá cao so với các nước như Ấn Độ, Indonesia và Ecuador. Lợi thế cạnh tranh nhất ở Cà Mau là tôm có chứng nhận. Vì vậy, mong tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục mở rộng mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm nuôi có giấy chứng nhận. Trong chiến lược trung và dài hạn, tỉnh cần đẩy mạnh tôm nuôi có chứng nhận mới tạo lợi thế cạnh tranh.

VĂN PHÚC - TẤN THÁI - TUẤN QUANG

Tin cùng chuyên mục