
Tại Việt Nam từ đầu năm 2005 đến nay, dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp. Nhằm phòng tránh dịch cúm gia cầm ở người, Tuần san SGGP Thứ Bảy đã trao đổi với bà Mai Lê Trân Châu, Tham vấn viên về bệnh cúm ở người của Trung tâm Truyền thông-Giáo dục-Sức khỏe TPHCM, xoay quanh những biện pháp phòng ngừa.

Bà Mai Lê Trân Châu
- Virus cúm gia cầm tồn tại như thế nào và sống được bao lâu? Làm thế nào để tiêu diệt, thưa bà?
- Virus cúm gia cầm có nhiều trong lòng, huyết, nước dãi, phân gia cầm bệnh. Ở nhiệt độ thường, virus này có thể tồn tại từ 2-6 tháng. Virus cúm gia cầm bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao. Các chất sát trùng như Cloramin B có thể diệt được virus cúm gia cầm nên có thể dùng để tẩy trùng chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi, đồ bảo hộ có dính máu, nước dãi, phân gia cầm.
- Khi nghi ngờ bị bệnh viêm phổi do nhiễm virus liên quan đến cúm gia cầm phải làm gì?
- Nếu bị sốt cao có liên quan đến cúm gia cầm (do ăn các sản phẩm từ gia cầm hoặc có tiếp xúc với gia cầm) phải đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Trong thời gian chờ đến cơ sở y tế, người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với những người khác.
- Trong thời điểm này, ăn các sản phẩm từ gia cầm (như bánh có trứng) có đảm bảo an toàn?
- Nếu sản phẩm gia cầm đã được chủng ngừa theo đúng quy trình và đã qua kiểm dịch chặt chẽ sẽ an toàn đối với người sử dụng. Sản phẩm chưa được chủng ngừa nhưng được nấu chín kỹ cũng hạn chế được virus cúm gia cầm.
- Để phòng bệnh viêm phổi do virus ở người liên quan đến cúm gia cầm cần phải làm gì?
- Cần thực hiện 4 không: không ăn thịt, sản phẩm gia cầm bị bệnh, bị chết không rõ nguyên nhân hoặc chưa kiểm dịch; không mua - bán gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch; không vận chuyển gia cầm không có xác nhận kiểm dịch của cơ quan thú ý; không nuôi gia cầm chưa được tiêm ngừa và chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y. Ngoài ra, cần tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ chất và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.
- Xin cảm ơn bà.
TƯỜNG LÂM (thực hiện)
Không nên tự mua thuốc Tamiflu uống dự phòng Theo ông Cao Minh Quang - Cục trưởng Cục Quản lý dược, hiện cả nước mới nhập được 600.000 viên và 2 triệu lọ thuốc dạng nước Tamiflu để điều trị bệnh cúm gia cầm cho 66.000 người. Ước tính nếu dịch cúm bùng phát sẽ có 8,2 triệu người mắc bệnh thì cần ít nhất 24,6 triệu viên Tamiflu. Vì vậy, Bộ Y tế đang ráo riết thương lượng với các công ty dược phẩm nước ngoài để đến quý IV-2005, Việt Nam tự sản xuất thuốc Tamiflu. Còn TS-BS Lê Trường Giang, PGĐ Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện Sở còn dự trữ đủ thuốc điều trị cho hơn 1.000 người. Ngoài ra, Sở cũng đã ký hợp đồng nhập về một lượng thuốc đủ điều trị và điều trị dự phòng cho khoảng 14.000 người vào đầu năm 2006. Đồng thời sẽ nhập thêm khoảng 1.000-2.000 liều dạng chai sirô để điều trị cho trẻ em. Hiện nay, thị trường tự do có thể có thuốc Tamiflu nhưng số lượng hạn chế. Người dân không nên tự mua thuốc về uống dự phòng bởi sử dụng thuốc Tamiflu cần có chỉ định của bác sĩ. Có cần tiêm phòng cúm? Trong những ngày qua, nhiều người dân muốn đi tiêm vắc xin phòng cúm Vaxigrip. Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc TTYTDP TPHCM, cho biết đây là vắc xin có thành phần gồm 3 chủng cúm người: 2 chủng type A (H1N1, H3N3) và 1 chủng cúm type B nhưng không phải là vắc-xin phòng cúm gia cầm (cúm A H5N1) mà thế giới đang quan tâm. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới, đối với những người đang làm việc thường xuyên tiếp xúc với gia cầm thì nên tiêm phòng vắc xin này để hạn chế sự đồng nhiễm nhiều loại virus cúm A và để góp phần đẩy lùi sự biến chủng. Người dân có thể đến Viện Pasteur TPHCM, TTYTDP TP và các Đội Y tế Dự phòng để được tiêm vắc xin phòng cúm nói trên. Những địa chỉ cần biết Liên quan đến gia cầm: Chi cục Thú y TPHCM - 151 Lý Thường Kiệt, P7, Q11 - ĐT: 08.8536132 – 8536133. |