Thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn - Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Một số nguyên nhân khiến chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn ở VN chưa thành công:

Mỗi ngày TPHCM thải ra khoảng 10.000 - 11.000 tấn các loại chất thải rắn (không kể các loại bùn thải). Trong đó, chất thải rắn đô thị (chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn xây dựng) đang là mối quan tâm lớn nhất với nhiều hiểm họa về môi trường.

Phân loại rác tại nguồn: Yêu cầu bức thiết

Trong báo cáo Môi trường quốc gia 2011 - Chất thải rắn của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố trong tháng 7 năm 2012 nhận định, ngay cả các bãi chôn lấp vệ sinh của TPHCM, hiện đang xử lý 90% - 92% khối lượng chất thải rắn đô thị được thiết kế, xây dựng và vận hành đúng tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, song vẫn phát tán ra môi trường xung quanh mùi hôi mà chủ yếu là từ thành phần hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học (thực phẩm dư thừa). Hơn nữa, việc sản xuất phân compost từ chất thải rắn đô thị chưa được phân loại cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trong rác chưa phân loại của TPHCM còn lẫn không ít chất thải nguy hại công nghiệp. Các chất này sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng compost được sản xuất ra. Chính vì vậy, phân loại chất thải rắn đô thị tại nguồn, kịp thời loại bỏ ngay các chất thải nguy hại là một trong những cách tiếp cận để giải quyết những bất cập nêu trên. Điều này được ghi trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2005. Đồng thời theo Quyết định 2149/QĐ-TTg ngày 17-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, tất cả các đô thị đều phải thực hiện Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn vào năm 2020.

Thực ra, cách nay hơn 10 năm, TPHCM và Hà Nội đã thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tuy nhiên, kết quả đạt được khá khiêm tốn.

Giải pháp nào để đạt hiệu quả?

Nhiều chục năm trước đây, TPHCM đã hình thành và ngày càng phát triển (một cách tự phát) hệ thống phân loại, thu gom, thu mua và tái chế các loại phế liệu từ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, y tế và xây dựng. Cho đến thời điểm trước khi có chương trình thí điểm đầu tiên về phân loại chất thải rắn tại nguồn (năm 1999), TPHCM đã có khoảng 16.000 - 18.000 lao động hoạt động trong lĩnh vực “ve chai”, trong đó có khoảng 5.300 - 5.500 lao động (tư nhân, hợp tác xã và các công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận huyện) vừa thực hiện công tác thu gom chất thải rắn tại các nguồn thải vừa phân loại và bán các loại phế liệu cho các vựa thu mua. TPHCM cũng có mạng lưới các cửa hàng (vựa) thu mua phế liệu, phân loại lần hai và tái chế dày đặc với số lượng khoảng 1.100 - 1.200 cơ sở. Số lao động trong các cơ sở lên đến 11.000 - 12.000 người. Các cơ sở này tập trung ở các quận 5, 6, 11, Bình Chánh, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú.

Ngoài hai dạng trên, số lượng người phân loại chất thải rắn đô thị trong các túi plastic để dọc đường, thu mua phế liệu từ các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, xây dựng… lên 1.000 đến 1.200 người, tập trung chủ yếu ở các quận trung tâm. Như vậy, làm thế nào để phát huy cơ sở hiện tại và từng bước nâng chất công tác phân loại rác từ nguồn của TPHCM?

Mọi chi phí phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đều phải do chủ nguồn thải chi trả theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý” và “người hưởng dịch vụ phải trả tiền cung cấp dịch vụ”. Đây là cơ sở để buộc người xả thải phải có trách nhiệm với hành vi của mình đồng thời cũng là một trong những giải pháp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Trước thực hiện ở phạm vi nhỏ và sau từng bước triển khai cả thành phố. Một vấn đề không thể thiếu: hình thành hành lang pháp lý hoàn thiện cho công tác phân loại rác từ nguồn. Từ các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TPHCM đến các quy định về cấu trúc tổ chức hệ thống quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực chất thải rắn và nhân lực từ thành phố (sở, ban, ngành) đến các quận huyện. Quy định về các nguồn tài chính phục vụ chương trình cũng cần được đặc biệt quan tâm. Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mọi tầng lớp và đối tượng trong thành phố.

Cần phải nhận thức rằng đây là việc làm liên tục, lâu dài với thời gian nhiều năm. Ngoài ra, kinh nghiệm của các nước phát triển và đang phát triển cho thấy, không có nơi nào thành công trong công tác quản lý môi trường đô thị nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng nếu không có sự tham gia của cộng đồng dân cư, đặc biệt là ý thức của mọi tầng lớp người dân trong thành phố. Số lượng dân nhập cư vào làm việc ở TPHCM rất lớn, chiếm hơn 90% so với những năm 70, đa phần đến từ các vùng nông thôn nên rất khó theo văn hóa đô thị và văn hóa công nghiệp. Việc tuyên truyền, giáo dục cộng đồng lại càng phải mang tính liên tục và lâu dài.

Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay của hệ thống hành chính quản lý nhà nước là sự phối hợp chưa đồng bộ các hoạt động quản lý giữa các bộ, ngành ở trung ương và giữa các sở, ban, ngành ở các địa phương. Mỗi một tổ chức hành chính quản lý nhà nước chỉ tập trung hoàn thành công việc của mình mà thiếu sự phối hợp giữa các tổ chức. Cần phải khắc phục điều đó. Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn cũng như chương trình thu phí vệ sinh “động chạm” đến tất cả mọi người sống, học tập và làm việc trên địa bàn TPHCM ở các mức độ khác nhau với nhiều khía cạnh khác nhau. Không chỉ là khía cạnh kỹ thuật và công nghệ mà còn cả khía cạnh kinh tế và xã hội. Người dân không chỉ phải tuân thủ các hành vi mới do pháp luật quy định mà còn phải trả nhiều tiền hơn, phải trả ngày càng đúng hơn các dịch vụ mà mình được hưởng. Vì vậy, sự tham gia tuyên truyền cho người dân hiểu vấn đề này của hội phụ nữ, đoàn thanh niên, đội thiếu niên, hội cựu chiến binh… lại càng cần thiết hơn.

Một số nguyên nhân khiến chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn ở VN chưa thành công:

- Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn được thực hiện với quy mô địa phương riêng lẻ (mới chỉ thực hiện thí điểm ở quy mô phường/quận ở Hà Nội và TPHCM), thiếu sự chỉ đạo đồng bộ từ trung ương (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Do đó, toàn bộ văn bản pháp quy, chính sách và tài chính hỗ trợ gần như không có.

- Chưa có kinh nghiệm, lại thực hiện trên quy mô lớn (so với Việt Nam) nên vừa thiếu cơ sở vật chất, tài chính hỗ trợ, vừa thiếu nguồn nhân lực thực hiện. Thiếu các thí dụ điển hình để nhân rộng.

- Thiếu cán bộ (kỹ thuật, kinh tế, xã hội) đủ năng lực để xây dựng chương trình và kế hoạch thực hiện;

- Hệ thống các tổ chức xã hội chưa đủ năng lực trong công tác tuyên truyền và vận động một cách sâu rộng và lâu dài thực hiện Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn. 

- Chưa đánh giá hết vai trò và ảnh hưởng (tốt và xấu) của lực lượng thu gom rác dân lập và lực lượng thu gom “ve chai”.

- Thiếu cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý.

- Mặt bằng dân trí cần phải được nâng cao và đồng bộ hơn để đáp ứng được nhu cầu thực tế. Riêng vấn đề này cần được đánh giá kỹ hơn và khoa học hơn.

- Trong các chương trình thí điểm, toàn bộ túi ni lông và thùng đựng chất thải rắn sau khi phân loại đều do ngân sách thành phố hoặc dự án chi trả, nên sau khi chương trình thí điểm kết thúc, ngân sách thành phố rất khó bù đắp được (ước tính hàng trăm tỷ đồng mỗi năm).

Ở các nước đã áp dụng thành công chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn đều có đặc điểm:

- Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn được xây dựng chung và thực hiện đồng bộ từ chính phủ trung ương đến các tỉnh thành địa phương trong sự kết hợp đồng bộ giữa các cơ quan hành chính quản lý nhà nước.

- Các văn bản pháp quy, chương trình, kế hoạch,… được chuẩn bị kỹ lưỡng và đầy đủ bởi các chuyên gia có trình độ (chuyên môn và kinh nghiệm) cao.

- Có chính sách và tài chính hỗ trợ đầy đủ cả ở cấp Trung ương và địa phương.

- Người dân có ý thức, trình độ dân trí cao và hợp tác tốt với các cơ quan hành chính nhà nước do đối thoại minh bạch.

- Các tổ chức phi chính phủ (NGO) và xã hội hoạt động mạnh và đồng bộ.

- Các công ty cung cấp dịch vụ tốt và bình đẳng.

- Đội ngũ lãnh đạo và quản lý đô thị giỏi.

- Chi phí cho chương trình phân loại chất thải rắn tại các hộ gia đình đều do chủ nguồn thải chi trả qua tiền bán túi ni lông (trong suốt) đựng chất thải rắn đã phân loại hoặc phí vệ sinh với nhiều phương pháp tính khác nhau.

TS NGUYỄN TRUNG VIỆT
Trường Đại học Văn Lang

Tin cùng chuyên mục