PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá thế nào về tác động của Facebook, YouTube ở Việt Nam hiện nay?
Ông LÊ QUANG TỰ DO: MXH là một phát minh, thành tựu vĩ đại về khoa học của loài người, giúp kết nối con người, lan tỏa tri thức nhân loại, tài nguyên về thông tin, dữ liệu… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tốt, nhiều lợi ích như trên, MXH chính là nơi phát tán thông tin giả mạo; thể hiện lời xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; nội dung nhảm nhí, vô bổ, thậm chí phản khoa học, phản giáo dục và vô văn hóa… Chính vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận MXH ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực, để thúc đẩy phần tích cực phát triển và hạn chế tối đa phần tiêu cực.
Các MXH như Facebook và YouTube gần đây có những thay đổi lớn về mô hình kinh doanh, vô hình trung gián tiếp khuyến khích những nội dung giật gân câu khách, nhảm nhí vô bổ. Những nội dung đó phát triển mạnh và có tác động xấu, tiêu cực lên người sử dụng, tiếp nhận thông tin. Vấn đề này cũng đã được cảnh báo rất nhiều lần. Thời gian qua, Bộ TT-TT cùng các cơ quan chức năng đã có những biện pháp đồng bộ, quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng nói trên, như Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng thường nói: Lấy cái đẹp để dẹp cái xấu và lan tỏa năng lượng tích cực trên không gian mạng.
Các cơ quan chức năng Việt Nam đã và đang làm gì để hạn chế những thông tin tiêu cực, xấu độc trên MXH hiện nay, thưa ông?
- Trước hết, chúng ta đàm phán với những MXH có số lượng người dùng lớn tại Việt Nam như: Facebook, YouTube và các kho ứng dụng như Apple Store và Google Play. Khi phát hiện những nội dung vi phạm pháp luật hoặc nội dung xấu độc, nhảm nhí, sai trái, Cục Phát thanh truyền hình và tin điện tử là đầu mối yêu cầu họ gỡ, ngăn chặn - họ sẽ phải tuân thủ, thực hiện điều đó.
Thứ hai, Bộ TT-TT tham mưu Chính phủ ban hành một số nghị định để bổ sung các quy định quản lý chặt chẽ hơn, cũng như có chế tài răn đe mạnh hơn về vấn đề quản lý MXH nói riêng và dịch vụ viễn thông, internet nói chung. Các nội dung này được cập nhật khá nhanh và được thực hiện rất quyết liệt, mang lại kết quả rõ rệt.
Thứ ba, xử lý nghiêm những người dùng trong nước vi phạm. Bộ TT-TT phối hợp với lực lượng công an rà quét, phát hiện và xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng MXH, không gian mạng để tung tin giả, xúc phạm người khác, chống phá Nhà nước. Trong năm 2020, cơ quan chức năng đã xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên MXH về đưa tin sai, bịa đặt về tình hình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Thứ tư, Bộ TT-TT phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân hiểu được rằng bảo vệ môi trường trên MXH cũng chính là giúp cuộc sống chúng ta tốt hơn, an toàn hơn. Bởi ngày nay, môi trường MXH không còn là “ảo” nữa mà chính là một phần quan trọng của đời sống con người. Nếu người dân sử dụng MXH ý thức được vấn đề đó, chắc chắn thông tin xấu, độc, nhảm nhí, vô bổ, phi văn hóa và đạo đức sẽ không có đất sống trên MXH.
Thứ năm, phối hợp với các bộ ngành khác để đấu tranh. Ví dụ như phối hợp với Tổng cục Thuế để thu thuế đối với các dịch vụ này - khoảng 1 năm gần đây, đã thu thuế hơn 1.000 tỷ đồng. Bộ TT-TT cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng để ngăn chặn dòng tiền có được do kinh doanh bất hợp pháp trên MXH.
Như ông nói, chúng ta phải đàm phán và đấu tranh với các MXH lớn, xuyên quốc gia xung quanh việc ngăn chặn, loại trừ thông tin xấu, độc. Ông có thể nói rõ hơn?
- Những tập đoàn đa quốc gia như Facebook, Google, Tiktok, Apple… luôn tự đặt những luật lệ, quy định riêng dưới tên gọi là “Tiêu chuẩn cộng đồng”. Trước đây, họ cho rằng “Tiêu chuẩn cộng đồng” là quan trọng nhất, không quan tâm đến luật pháp của nước họ đến kinh doanh. Trước năm 2016, dù nói thế nào, các MXH này cũng như... ở trên trời. Từ năm 2017, chúng ta chính thức tiếp xúc, đàm phán và đấu tranh để các tập đoàn thực thi đúng pháp luật Việt Nam, họ mới thay đổi dần. Xu hướng chung của thế giới cũng vậy, khi các quốc gia đã và đang đấu tranh yêu cầu các MXH lớn tuân thủ pháp luật nước sở tại khi đến kinh doanh. Đến nay, các MXH cơ bản đã chấp nhận, đồng ý tuân theo pháp luật nước sở tại, trong đó có Việt Nam, khi thực hiện các yêu cầu ngăn chặn thông tin vi phạm pháp luật của chúng ta. Đây là bước chuyển cực kỳ quan trọng. Nếu như trước đây, Facebook chỉ đáp ứng yêu cầu của chúng ta và xử lý khoảng 20% thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, khoảng 70% thông tin về vấn đề dân sự (như mạo danh, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp…) thì đến năm 2020, tỷ lệ này lần lượt là 90% và gần 100%. Google, trực tiếp là YouTube, cũng đã đáp ứng hơn 90% yêu cầu từ chúng ta; Tiktok khoảng 100%...
Câu chuyện của YouTuber Thơ Nguyễn cùng nhiều vụ việc khác trong năm 2020 thực sự là lời cảnh báo về những nội dung xấu độc, nhảm nhí trên MXH, gây ảnh hưởng tới trẻ em. Chúng ta cần phải làm gì để bảo vệ trẻ em khỏi các nội dung xấu độc trên MXH hiện nay?
- Chúng ta đang triển khai đồng bộ, mạnh mẽ 5 giải pháp tôi đã nêu trên và đạt hiệu quả rõ rệt thời gian qua. Tuy nhiên, MXH cũng như đời sống thực, không thể có một môi trường “vô trùng 100%”. Điều quan trọng nhất là chúng ta cố gắng hạn chế tối đa những nội dung độc hại, nhảm nhí, vô bổ; cố gắng phát hiện sớm những sai trái, tiêu cực để xử lý, giúp MXH lành mạnh, tốt hơn. Đây là việc chung của toàn xã hội, từ cơ quan chức năng đến mỗi người dùng MXH, nhất là các bậc cha mẹ đối với con mình. Cha mẹ phải hướng dẫn con khi tiếp nhận thông tin, bảo vệ tâm trí, tạo cho con một môi trường tốt khi tiếp cận MXH; có trách nhiệm trong việc sử dụng MXH an toàn, lành mạnh.
Cùng với đó, chúng ta luôn yêu cầu các MXH xuyên biên giới phải có những chính sách bảo vệ trẻ em, như xây dựng nội dung riêng, tạo ra các kênh riêng phù hợp cho trẻ em. YouTube đã làm YouTube Kids và các MXH khác cũng cam kết tương tự. Song, nếu các bậc phụ huynh không giám sát con cái, vẫn cho vào YouTube xem hay tải về những nội dung không phù hợp, công nghệ đó không có ý nghĩa. Trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn của cha mẹ, thầy cô, người lớn tuổi đối với trẻ em khi tham gia, tiếp cận MXH có vai trò rất quan trọng.