Bộ Công thương đã có văn bản chính thức đề nghị tạm hoãn việc thu thuế môi trường đối với đối tượng túi ni lông. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng soạn thảo và ban hành tiêu chí đối với bao bì tự hủy. Điều đáng nói là trong khi chờ thì các doanh nghiệp (DN) đang loay hoay chưa biết phải chuyển đổi theo cách nào?
Ông Lê Phúc Duy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Bao bì Đại Phát cho biết, hiện doanh thu của công ty sụt giảm khoảng 50% so với trước khi áp thuế môi trường. Trước đây, sản lượng mỗi tháng khoảng 60 tấn bao bì nay giảm chỉ còn 30 tấn. Công ty cũng hạn chế sản xuất túi cung cấp cho thị trường trong nước mà tìm cách tăng cường xuất khẩu bao bì ra thị trường ngoại.
Lý giải thực tế này, ông Duy bức xúc, hiện trên thị trường tồn tại nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tái chế túi ni lông bán giá khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg, cạnh tranh trực tiếp với DN lớn (giá bán túi khoảng 80.000 đồng/kg). Túi giá rẻ khiến DN làm ăn chân chính lao đao.
Đại diện Cục Thuế TP cho biết, hiện có một số DN kinh doanh nhỏ lẻ, trốn thuế mới bán túi ni lông giá thấp ra thị trường. Điều này xuất phát từ nhu cầu sử dụng túi ni lông là có thực nhưng người dân và DN chưa có sự lựa chọn thay thế nào tốt hơn. Đây cũng chính là lý do khiến cho thuế bảo vệ môi trường không thể hạn chế người dân dùng túi ni lông.
Ông Huỳnh Công Bích, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Tiến Hưng cho biết: “Công ty chúng tôi chuyển hướng giảm sản lượng túi PE, tăng sản lượng các loại túi ni lông không bị đánh thuế. Về cơ bản, sản lượng mỗi tháng (khoảng 1.000 tấn) không thay đổi, góp phần nhẹ gánh chi phí sản xuất. Biện pháp này giống như một chiếc bánh tròn, ta không cắn bên này thì ta cắn bên kia”.
Bi kịch hơn là những DN đang sản xuất bao bì tự hủy. Đại diện Công ty cổ phần Vafaco cho biết trung bình chi phí sản xuất túi tự hủy cao hơn túi ni lông thông thường 10% - 20%. Những tưởng khi áp thuế môi trường thì loại túi này sẽ được miễn thuế. Nào ngờ vừa phải sản xuất chi phí cao lại tiếp tục bị đánh thuế khiến DN khó chồng khó.
Đồng cảnh ngộ với Công ty Vafaco, đại diện Công ty cổ phần Văn hóa Tân Bình phản ánh, từ năm 2003, công ty nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan sớm ban hành tiêu chí bao bì tự hủy. Thế nhưng, cho đến nay khi thuế môi trường được áp dụng thì bộ tiêu chí trên vẫn bặt tăm. Để tự cứu mình, công ty đã phải tìm đường xuất khẩu hàng sang nước ngoài. Vậy nếu bị đánh thuế chung chung kiểu như vầy thì đến thị trường xuất khẩu cũng khó trụ nổi.
Sản xuất bị động, dẫn đến nguồn cung bao bì trên thị trường cũng bấp bênh. Chị Nguyễn Thị Chính, tiểu thương chợ Phạm Thế Hiển quận 8 cho biết, chỉ từ trước Tết Nguyên đán đến nay mà giá bao bì đã lên xuống 6 lần. Trước tết giá tăng đột biến từ 35.000 lên 60.000 đồng.
Lý do mà các nhà cung cấp đưa ra là do khan hàng. Sau đó, từ đầu tháng 2 đến nay giá dao động quanh mức 32.000 – 45.000 đồng/kg. Vậy số lượng người đi chợ có giảm sử dụng túi ni lông? Chị Chính cho rằng người tiêu dùng không hề giảm sử dụng túi ni lông trong khi người bán phải mua bao bì giá cao.
Ông Trương Văn Long, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nhựa – cao su và đào tạo quản lý năng lượng – Sở Công thương TPHCM cho biết, sự bất cập trong việc áp thuế môi trường đối với ngành nhựa đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển của ngành. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có cơ quan nào xác định nhựa phân hủy sinh học, dựa vào tiêu chí nào để xác định, định nghĩa túi ni lông thuộc diện chịu thuế khá chung chung…
Theo ông Long, trong tình hình hiện tại, các DN trong nước nên cố gắng sản xuất cho được bao bì phân hủy sinh học; các cơ quan chức năng nên có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về việc áp thuế để DN có thể áp dụng. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng, hướng dẫn luật, các bộ, ngành nên lấy ý kiến đóng góp của cơ quan thuế, hải quan…
MINH XUÂN - NGUYỄN TRUNG