Có đến 751.000 kết quả nếu bạn tra cứu Google từ khóa “nhà container có phải là bất động sản” vào những ngày này. Chuyện cái container làm nhà bếp tạm trong mùa mưa của quán cà phê Xin Chào (Bình Chánh) bị cưỡng chế tháo dỡ là câu chuyện thứ hai ở TPHCM liên quan đến việc tranh luận và hành xử như thế nào cho phù hợp với kiểu tái chế container làm kho hay nhà ở. Ngay trên các diễn đàn luật sư, các trang tư vấn luật, cuộc tranh luận này vẫn chưa ngã ngũ, và thay vào đó là trích dẫn rất nhiều thông tư, quy định và các điều khoản của Luật Xây dựng.
Vì sao một bộ luật mới xây dựng và có hiệu lực chưa đầy 2 năm đã có lỗ hổng? Thật ra mô hình nhà container ở các nước phát triển đã được phép tồn tại từ lâu, được sử dụng để mở rộng diện tích sử dụng cho các khu nhà cần bảo tồn, không được phá dỡ xây dựng mới; hay trong các công trình chờ di dời, công trình có tính chất không bền vững... Ở nông thôn các nước châu Âu, nhà container là nhà kho được bố trí rải rác trên những cánh đồng lớn. Còn ở Việt Nam, nhà container đã xuất hiện nhiều năm nay, có nơi làm gian hàng, có nơi làm nhà hàng, có nơi làm nhà ở... Vậy nhưng, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở của ta vẫn còn một khoảng trống mơ hồ về tính pháp lý của mô hình này. Bởi thế, câu hỏi cái container nhà ở có khác cái container làm kho hay nhà bếp? Và cái container làm nhà kho hay bếp có phải là bất động sản? Có phải xin giấy phép xây dựng, phải được dựng trên đất thổ cư không được để trên đất nông nghiệp?
Từ sự định nghĩa mơ hồ và hiểu sao cũng được trong luật, chính quyền các nơi cũng hành xử khác nhau, trong khi thị trấn Tân Túc (Bình Chánh) thì đòi cưỡng chế, huyện Bình Chánh thì “thấy quyết định xử phạt không ổn”, các cơ quan chức năng lúng túng và chuyển sự việc về Sở Xây dựng và UBND TP. Nhưng ở các quận khác phía Đông TPHCM, nhà container vẫn được phép tồn tại, và còn được giới thiệu lên báo như sáng kiến mô hình xây dựng mới!
Có một chi tiết cũng cần lưu ý, đó là do luật chưa quy định rõ loại hình nhà container, nên ngay cả việc người dân có nhu cầu xin cấp phép cho dựng nhà container trên đất nhà, dù là nhà ở hay làm nhà bếp, nhà kho... đều bị từ chối hay gặp trở ngại khi đi xin giấy phép. Có nghĩa là người dân muốn sống đúng luật là đi xin giấy phép đàng hoàng cũng không được. Từ đây, phát sinh nhiều trường hợp có nhu cầu thật nhưng không ai chịu cấp phép thì đành làm đại và chịu phạt!
Pháp luật là để bảo đảm trật tự xã hội, vì vậy các điều luật cần minh bạch, chi tiết, dễ hiểu, dễ áp dụng và phù hợp nhu cầu thực tế. Khi còn tình trạng hiểu và vận dụng luật tùy quan điểm từng chính quyền địa phương, e rằng sự thượng tôn pháp luật sẽ bị lạm dụng. Trường hợp chiếc container tái chế làm nhà bếp là một ví dụ, do không có trong luật quy định thì không cấp phép, nếu lỡ kéo về rồi thì cưỡng chế tháo dỡ. Trong tình huống luật quy định còn mơ hồ này thì phần thiệt thòi luôn thuộc về người dân. Vì thế rất cần sự gấp rút cập nhật luật bằng những quy định, thông tư dưới luật để lấp đầy những lỗ hổng. Xin đừng xem thường đó chỉ đơn giản là chuyện cái container, bởi cuộc sống luôn phát triển và cuộc sống đòi hỏi thực thi pháp luật phải nghiêm minh, rõ ràng. Nếu còn những lỗ hổng hành xử theo kiểu hiểu sao cũng được, luật và những người hành xử luật sẽ vô tình trở thành vật cản trên đường phát triển của đất nước.
SONG ĐĂNG