Mấy ngày qua, bức ảnh các quan chức, lãnh đạo ngành giáo dục tham dự lễ khai bút đầu năm mới được tổ chức tại đình thờ nhà giáo Chu Văn An, thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã được cư dân mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Điều đáng nói là đi kèm với hình ảnh đó lại là những lời lẽ bình luận hết sức chua cay, không kém phần mỉa mai, thất vọng. Nguyên nhân xuất phát từ việc các khách mời đã thực hiện nghi thức khai bút theo hình thức “tập tô” trên nền giấy được viết chữ sẵn, nét bút khi đó chỉ còn mang ý nghĩa “lấp đầy màu” bức tranh chữ có sẵn.
Nhìn hình ảnh các vị lãnh đạo chăm chú điều khiển cây bút như trẻ mầm non lóng ngóng cầm bút chì màu, thao tác cầm cọ chưa chuẩn, nét mặt căng thẳng vì sợ “chệch đường tô” khiến chữ viết mất đi tính khuôn mẫu, nhiều người không khỏi giật mình bởi căn bệnh hình thức - vốn tồn tại phổ biến và lâu năm của ngành giáo dục - hôm nay một lần nữa lại xuất hiện tại một trong những lễ hội mang ý nghĩa cao quý, tôn vinh sự học và tri thức đến như vậy.
Trước đây, chúng ta đã nói nhiều đến tình trạng học sinh lệ thuộc “văn mẫu”, giáo viên cứng nhắc cho “nhận xét mẫu” (khi thực hiện Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học). Vậy thì nay, lần đầu tiên khái niệm “khai bút mẫu”, “chữ mẫu” xuất phát từ ngay chính những lãnh đạo cao nhất của ngành giáo dục.
Cũng trong ngày hôm đó, báo chí lại được một phen “nhộn nhịp” ghi lại hình ảnh người dân từ khắp mọi miền đất nước nườm nượp đổ về Văn Miếu Quốc Tử Giám xin chữ vào sáng mùng 5 Tết. Sự việc sẽ không có gì đáng nói nếu như người xin chữ và thầy đồ cho chữ có cơ hội được giao lưu, cùng nhau bàn luận về ý nghĩa tốt đẹp của các con chữ.
Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Không hề có bất kỳ sự giao lưu, giảng giải ý nghĩa nào cả. Dòng người xếp hàng chờ xin chữ kéo dài hàng tiếng đồng hồ tạo nên bầu không khí vô cùng bát nháo, hỗn loạn. Ai đó cáu kỉnh chửi bới khi bị người khác chen ngang. Có tiếng trả giá, có hình ảnh e dè mở ví rút tiền vì “giá cho chữ năm nay sao đắt quá”.
Về phía người cho chữ, tuy theo công bố của ban tổ chức là đã trải qua những cuộc sát hạch kỹ càng nhưng vẫn có tình trạng các “ông đồ” thuê cả sinh viên bên ngoài phụ viết chữ do nhu cầu khách xin chữ quá đông. Khung cảnh “xin” và “cho” chữ diễn ra hết sức hỗn loạn, người đứng kẻ ngồi, vỏ hộp đồ ăn, thức uống vương vãi la liệt khắp nơi khiến nhiều du khách nước ngoài lắc đầu ngao ngán. Buồn cho hình ảnh một truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc! Buồn cho sự học đòi, bệnh hình thức đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận người Việt.
Hai câu chuyện nhưng cùng chung bản chất. Trong khi cả nước đang cổ vũ phong trào “học thật, thi thật, kết quả thật” thì ở nhiều nơi trên cả nước vẫn tồn tại những hình ảnh đau lòng về thói trọng hình thức, suy tôn những giá trị ảo, tạo ra mảnh đất màu mỡ cho nhiều tệ nạn trong xã hội.
Suy cho cùng, lỗi bắt nguồn từ ngay chính những người đứng đầu ngành giáo dục, nếu không có sự mạnh tay, cương quyết thì mọi chủ trương, chính sách dù mang ý nghĩa tốt đẹp chỉ còn là hình thức hiện diện “trên giấy” mà thôi!
HỒNG MINH