Thuế giá trị gia tăng - Miễn hay 0%?

Tháng 11-2014, Quốc hội ban hành luật thuế sửa đổi, bổ sung chuyển 3 nhóm mặt hàng thuộc diện áp dụng thuế giá trị gia tăng (GTGT) với thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT, gồm phân bón, thức ăn chăn nuôi (TACN), cùng máy móc và thiết bị chuyên dùng trong nông nghiệp.

Tháng 11-2014, Quốc hội ban hành luật thuế sửa đổi, bổ sung chuyển 3 nhóm mặt hàng thuộc diện áp dụng thuế giá trị gia tăng (GTGT) với thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT, gồm phân bón, thức ăn chăn nuôi (TACN), cùng máy móc và thiết bị chuyên dùng trong nông nghiệp.

 Mục tiêu của việc làm này nhằm giảm chi phí đầu vào cho nhà sản xuất, để các sản phẩm vật tư nông nghiệp này được bán cho nông dân với giá thấp hơn, giúp giảm giá thành, nâng cao mức thu nhập. Mới đây, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, TP có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh phân bón, TACN rà soát chi phí đầu vào, thực hiện giảm giá phân bón, thức ăn chăn nuôi. Thế nhưng khi triển khai những sửa đổi này vào thực tế lại nảy sinh những tình huống bất ngờ khác.

Với ngành TACN, hầu hết các DN từ đầu năm 2015 đã giảm khoảng 2% giá bán ra. Tiến sĩ Nguyễn Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, việc nhà nước miễn thuế GTGT thức ăn chăn nuôi, giúp doanh nghiệp giảm bớt phiền hà trong thủ tục hải quan khi nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của TACN. Trong khi đó, ông Chamnan Wangakkarangkul, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam (CPV) cho rằng, việc nhà nước miễn thuế GTGT đầu vào thay vì 5% như trước, giúp giá TACN bán ra giảm không hơn 2%! Để có thể giảm 5% thì tất cả đầu vào của TACN cũng không có thuế.

Tuy nhiên, với ngành phân bón thì có khác. Với phân bón được chuyển từ danh mục những mặt hàng chịu thuế suất thuế GTGT 5% sang danh mục không chịu thuế GTGT, nhiều doanh nghiệp cho rằng họ đang gặp khó từ chính ưu đãi này!? Theo quy định sửa đổi, mặt hàng phân bón trước đây áp dụng thuế suất 5%, nay thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, tưởng như doanh nghiệp được lợi nhưng không phải vậy. Theo khoản 1, Điều 8 Thông tư 219 Bộ Tài chính ban hành ngày 31-12-2013, cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, trường hợp lũy kế ít nhất 12 tháng tính từ tháng đầu tiên phát sinh, thu thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế. Từ trước tới nay các doanh nghiệp sản xuất phân bón chịu thuế đầu vào 10% như điện, phụ gia, than, vỏ bao, bán hàng, phí quản lý…, thuế đầu ra là 5%, nên có sự chênh lệch thuế đầu vào và thuế đầu ra và doanh nghiệp được hoàn thuế. Có như vậy doanh nghiệp mới giữ được giá bán như thời gian qua.

Nếu áp dụng theo quy định mới, phân bón không phải chịu thuế GTGT cũng có nghĩa doanh nghiệp không được hoàn thuế, làm chi phí đầu vào bị đẩy lên cao hơn. Cũng theo Thông tư 219, việc khấu trừ được tính trong trường hợp lũy kế ít nhất 12 tháng mới được làm hồ sơ để hoàn thuế. Nhưng từ ngày 1-1-2015 thực hiện quy định mới, như vậy năm 2014, thời gian tính chưa đủ 12 tháng, nếu áp theo luật thuế thì doanh nghiệp phải tự hạch toán toàn bộ số tiền thuế chênh lệch. Như vậy, doanh nghiệp bị mất khoản tiền hoàn thuế và số tiền này sẽ phải tính vào giá thành sản phẩm, lúc đó sản phẩm phân bón sẽ bị đội giá, giá bán tăng không những doanh nghiệp gặp khó khăn khi bán ra mà bà con nông dân phải mua giá cao, thay vì được mua giá thấp như mong muốn của những người làm luật. Không bên nào hưởng lợi từ việc sửa đổi này.

Thay vì “không phải chịu thuế GTGT”, các doanh nghiệp phân bón cho rằng nên để phân bón trong danh mục “mặt hàng chịu thuế GTGT bằng 0%”. Một khi phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT bằng 0% (không phải là miễn thuế) thì doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế khi có khoản chênh lệch thuế đầu vào đầu ra, nhờ vậy giá thành sản phẩm mới có điều kiện giảm xuống. Lúc đó cả doanh nghiệp và nông dân mới thật sự được hưởng lợi.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục