Thuế và phí môi trường - Còn nhiều bất hợp lý

Thuế và phí môi trường - Còn nhiều bất hợp lý

Người làm phát sinh chất thải phải trả chi phí xử lý – đó là quan điểm của Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) sản xuất nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững không có cách nào khác phải trả phí xử lý chất thải, đảm bảo chất thải được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, khi áp dụng thêm thuế môi trường trong khi các DN vẫn phải duy trì việc trả phí xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, liệu thuế môi trường có chồng lên phí môi trường?

Người dân phải chịu 2 lần phí

Ông Nguyễn Văn Huấn, Giám đốc Nhà máy sữa Thống Nhất TPHCM cho biết, hàng tháng công ty phải trả rất nhiều phí xử lý môi trường. Cụ thể chi phí chuyển giao chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt và chi phí duy trì hoạt động hệ thống xử lý khí thải, nước thải. Mặt khác, công ty còn phải trả phí xả thải. Theo đó, mỗi tháng, Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đến công ty lấy mẫu nước thải về phân tích. Căn cứ vào nồng độ các chất thải có trong khối lượng nước thải như BOD, COD, TSS, Coliform… quy đổi ra thành tiền công ty phải trả.

Xăng, mặt hàng chịu thuế để bảo vệ môi trường tốt hơn. Ảnh: KIM NGÂN

Xăng, mặt hàng chịu thuế để bảo vệ môi trường tốt hơn. Ảnh: KIM NGÂN

Như vậy, nếu nhà nước áp dụng thêm thuế đối với nguyên liệu đầu vào sản xuất như xăng, dầu, than, hạt nhựa, túi ni lông… thì chẳng khác nào DN phải chịu 2 lần phí môi trường. Bà Lê Quang Lạc Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty Nước uống tinh khiết Sapuwa cho biết, nếu vừa phải trả phí xả thải vừa phải trả thuế môi trường cho nguyên liệu đầu vào thì thật bất cập. Chẳng khác nào Nhà nước đánh thuế 2 lần. Vậy nếu DN chấp nhận đóng thuế môi trường đối với các nguyên liệu đầu vào thì DN được phát thải tự do? Nhà nước phải lo phần xử lý chất thải cho DN mới công bằng.

Đại diện Tập đoàn Thiên Long lo ngại, việc Nhà nước vừa đánh thuế nguyên liệu đầu vào trong khi DN vừa phải chịu chi phí xử lý chất thải phát sinh đầu ra thì khó tránh khỏi việc tăng giá thành sản phẩm. Trong trường hợp này, DN chịu thiệt vì giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh với nhiều mặt hàng nhập khẩu cùng loại, nhưng thiệt thòi hơn hết vẫn là người tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) nhấn mạnh, người chịu thiệt thòi nhất vẫn chính là người tiêu dùng. Vì những mặt hàng bị đánh thuế nêu trên là những mặt hàng chưa có sản phẩm thay thế. Người tiêu dùng bị bắt buộc sử dụng hơn là được khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Đơn cử, với nhiều nước trên thế giới mà gần nước ta nhất là Thái Lan và Trung Quốc, họ chỉ đánh thuế môi trường thật nặng lên xăng hóa thạch khi nhà nước đảm bảo cung ứng đủ xăng sinh học với giá thành rẻ hơn và chất lượng tương ứng như xăng truyền thống cho nhu cầu sử dụng của người dân… Đối chiếu lại với nước ta, dù nhà nước đánh thuế thật cao vào những mặt hàng trên thì người dân vẫn bắt buộc phải sử dụng vì không có lựa chọn nào khác. Liệu cách làm này có thực sự công bằng cho người dân?

Hợp nhất phí môi trường thành thuế môi trường

PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường cho biết, thuế môi trường, nhãn sinh thái, phí môi trường được xem là công cụ kinh tế bảo vệ môi trường hiệu quả, được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Tuy nhiên, công cụ này vẫn được sử dụng rất hạn chế ở nước ta. Việc ban hành thuế môi trường trong thời gian tới là cần thiết và cấp bách, nhưng với cách tính thuế như dự thảo mà Bộ Tài chính đưa ra chưa đảm bảo được nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Cụ thể, theo dự luật, vào đầu năm 2012, mức thuế thu áp dụng đối với xăng là 1.000 – 4.000 đồng/lít, dầu diesel từ 500 – 2.000 đồng/lít, than là 6.000 – 30.000 đồng/tấn, túi ni lông là 20.000 – 30.000 đồng/kg và thuốc bảo vệ thực vật 1.000 – 5.000 đồng/kg… Cách thức định giá và thu thuế như trên thì chính người tiêu dùng phải trả tiền. Còn DN sản xuất hoặc kinh doanh mặt hàng trên chỉ gián tiếp đóng thuế giùm người tiêu dùng mà thôi. Trong khi đó, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh mới là đối tượng chính phải trả thuế này.

Để thuế môi trường đánh đúng vào đối tượng thì nhất thiết phải đánh thuế vào một số sản phẩm, hàng hóa gây tác động xấu lâu dài đến môi trường và sức khỏe con người. Mức thu phải căn cứ vào khối lượng chất thải ô nhiễm thải ra môi trường, mức độ độc hại đối với môi trường và khả năng chịu tải của môi trường. Đơn cử, đối với nhiên liệu đốt, thuế suất nhiều hay ít phụ thuộc vào hàm lượng khí SO2 thải ra. Thế nhưng, trong dự thảo trên mức thuế suất đối với xăng (vốn có hàm lượng lưu huỳnh gần như bằng không) lại cao hơn dầu mazut (vốn có hàm lượng lưu huỳnh lên tới 3%) là không hợp lý. Tương tự, với chất HCFC – chất làm lạnh, gây hiệu ứng nhà kính bị đánh thuế nhưng cũng cùng là chất gây hiệu ứng nhà kính còn có chất như CH4, CO2, SO2… thì không bị đánh thuế.

Ngoài ra, còn hàng ngàn hóa chất độc hại khác phát sinh từ hoạt động công nghiệp như PCB, COD, BOD, crom, kim loại, chì, nitơ… thì chưa được xếp vào diện bị đánh thuế. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh thành đang triển khai thu phí nước thải công nghiệp. Theo đó, số tiền DN phải trả dựa trên thành phần chất thải và tải lượng ô nhiễm của DN xả vào môi trường. Theo PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn, cách thu này là hợp lý và nên chăng chuyển việc thu phí môi trường sang thành hình thức thu thuế môi trường. Vấn đề còn lại là cơ quan chức năng cần bổ sung thêm mức thuế đối với khí thải.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục