Thuốc bảo vệ thực vật từ hạt cây Neem

Nhà khoa học vào cuộc

Cây Neem ở Việt Nam (giống từ Ấn Độ, du nhập vào Việt Nam từ năm 1993) được trồng nhiều ở khu vực tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Hiện nay diện tích cây Neem ở 2 tỉnh này vào khoảng 3.000 ha. Dự kiến sẽ mở rộng lên 10.000 ha vào năm 2010. Từ lâu người Ấn Độ đã dùng cây Neem chiết xuất ra một số hoạt chất dùng làm thuốc bảo vệ thực vật.

Từ khả năng ứng dụng thiết thực này, trong thời gian vừa qua Công ty Thuốc sát trùng Việt Nam (Vipesco) đã nhập chế phẩm azadirachtin (còn gọi là AZ, được chiết xuất từ cây Neem) của Ấn Độ để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật Vineem, người nông dân rất ưa chuộng vì sử dụng có hiệu quả.

Nhà khoa học vào cuộc

Vì sao chúng ta không nghiên cứu giải pháp chiết xuất các chế phẩm AZ từ cây Neem để làm thuốc bảo vệ thực vật? Đó là câu hỏi đã được nhiều nhà khoa học trong nước đặt ra, bởi các nhà khoa học hiểu được rằng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ thảo mộc vừa không gây ngộ độc thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường… GS-TS Trần Kim Qui, Trung tâm Nghiên cứu hóa sinh ứng dụng TPHCM bắt tay vào nghiên cứu “quy trình ly trích các hoạt chất từ cây Neem và điều chế các phụ gia thích hợp để làm nguyên liệu pha chế thuốc bảo vệ thực vật”.

Sau hơn 2 năm tập trung nghiên cứu mới đây GS-TS Trần Kim Qui và nhóm cộng sự cho hay, đã hoàn thiện được quy trình ly trích các hoạt chất từ cây Neem. Nhóm nghiên cứu của GS Trần Kim Qui cũng nghiên cứu thành công một chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật (từ hoạt chất của cây Neem), chế phẩm này có tên là Limo.

Limo - sản phẩm từ nghiên cứu

Sản phẩm Limo đã được đưa vào ứng dụng thử nghiệm hiệu lực diệt trừ mối mọt trong kho thực phẩm. Kết quả ghi nhận là rất khả quan: ở liều rải từ 0,4 - 0,5g/m2 hiệu lực diệt mọt ngũ cốc (loại Tribolium casteneum) đạt 70% - 90%; diệt mối Sitophilus oryzae đạt từ 75% - 85% sau 21 ngày. Trong khi thuốc diệt mối mọt Phostoxin nhập của Ấn Độ, đang sử dụng thông dụng hiện nay ở Việt Nam, chỉ có hiệu lực vào khoảng 50% - 60%.

Ứng dụng thử nghiệm khả năng trừ nấm bệnh trên cây trồng cũng thu được kết quả khá tốt: sản phẩm Limo ở nồng độ xử lý 1%, sau 4 ngày có tác dụng ức chế 100% sự nảy mầm của hạch nấm Sclerotium rolfsii gây bệnh lở cổ rễ cây trồng. Một thử nghiệm khác (do Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông dược TPHCM thử nghiệm) cũng đạt được kết quả phấn khởi: sản phẩm Limo ở nồng độ 2% có hiệu lực diệt đến 66,67% sâu tơ Plutella xylostella sau 48 giờ xử lý; so với sản phẩm nhập của Ấn Độ, nồng độ 4%, nhưng hiệu lực chỉ đạt khoảng 53,33% sau 48 giờ xử lý…

Sau thành công này, hiện nay nhóm nghiên cứu của GS Trần Kim Qui đã đưa đề tài sang dự án sản xuất thử nghiệm.

“Hiện nay chúng tôi đang có 3 công ty sẵn sàng mua chế phẩm Limo (đã gửi công văn) vì vậy không lo “đầu ra” của sản phẩm. Có thể nói thuốc bảo vệ thực vật từ cây Neem sẽ không làm ô nhiễm môi trường, không gây ngộ độc thực phẩm như các loại thuốc trừ sâu tổng hợp. Hướng thay thế này sẽ thiết thực góp phần rất lớn vào việc sản xuất rau quả an toàn đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, do cây Neem vẫn có thể phát triển tốt trên những vùng đất khô cằn, người nông dân vùng Ninh Thuận, Bình Thuận tận dụng những vùng đất khô cằn để trồng cây Neem, cải thiện đáng kể đời sống cho bà con nông dân…” – GS-TS Trần Kim Qui lạc quan cho biết.

LÊ LẠC SƠN

Tin cùng chuyên mục