“Thuốc” đã đủ liều?

Cho đến cuối tháng 7, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn tái khẳng định cam kết điều chỉnh tỷ giá không quá 2% trong năm 2015. Nghĩa là từ nay đến hết năm sẽ không còn đợt điều chỉnh tỷ giá nào nữa vì biên độ 2% đã được dùng hết (tháng 1 tăng 1% và tiếp đó tháng 5 điều chỉnh tăng thêm 1%). Tuy nhiên, sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá là điều cần thiết.

Cho đến cuối tháng 7, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn tái khẳng định cam kết điều chỉnh tỷ giá không quá 2% trong năm 2015. Nghĩa là từ nay đến hết năm sẽ không còn đợt điều chỉnh tỷ giá nào nữa vì biên độ 2% đã được dùng hết (tháng 1 tăng 1% và tiếp đó tháng 5 điều chỉnh tăng thêm 1%). Tuy nhiên, sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá là điều cần thiết.

Một cam kết chính sách “cứng” sẽ không có giá trị nếu không mang lại lợi ích tốt nhất cho đất nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới gần đây xuất hiện nhiều yếu tố mang tính đột biến nằm ngoài dự đoán. 

Chính vì thế, việc quyết định tăng biên độ tỷ giá VND/USD từ +/-1% lên +/-2% được NHNN đưa ra hôm qua (12-8) sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (CNY) hôm 11-8 với điều chỉnh giảm 1,9% được giới chuyên gia đánh giá khá kịp thời và “khôn ngoan”. Về lý thuyết, NHNN vẫn giữ được cam kết chỉ điều chỉnh tỷ giá 2% trong năm 2015, nhưng thực tế việc mở rộng gấp đôi biên độ giao dịch đã cho phép tỷ giá trên thị trường có thể điều chỉnh tới 4% so với cuối năm ngoái. Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng được NHNN công bố ở mức 21.673 đồng/USD, biên độ tỷ giá mới sẽ cho phép tỷ giá biến động trong phạm vi mức tỷ giá trần là 22.106 đồng/USD và tỷ giá sàn là 21.240 đồng/USD. Ngay sau quyết định điều chỉnh của NHNN, hầu hết các ngân hàng đã tăng giá mua bán USD ở mức gần chạm trần cho phép.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang tốt lên nhưng chưa thể khỏa lấp được hết những thách thức trong cả ngắn và trung hạn. Căng thẳng nhất là nhập siêu đã trở lại ở mức khá cao đã gây áp lực lên tỷ giá. Theo số liệu của Bộ Công thương, tính chung 7 tháng năm 2015, nhập siêu của nước ta lên đến gần 3,4 tỷ USD (bằng 3,7% kim ngạch xuất khẩu) trong khi cùng kỳ 3 năm trước chúng ta đang xuất siêu. Nhập siêu tăng mạnh trở lại có nguyên nhân từ việc xuất khẩu năm 2015 tăng trưởng khá “ì ạch”, trong khi nhập khẩu tăng khá mạnh. Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ xuất khẩu nhằm cân đối cán cân thương mại, nhiều ý kiến cho rằng nhà điều hành khó có thể giữ ổn định tỷ giá như đã cam kết. Tuy nhiên, với việc quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia đang khá dồi dào, NHNN đã tập trung nguồn lực để cố gắng thực hiện lời hứa của mình.

Nhưng những biến động mang tính đột biến đã khiến cơ quan điều hành buộc phải đưa ra giải pháp phù hợp. Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ với mức điều chỉnh kỷ lục đã tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực. Việc tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá trước các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế, đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam là yêu cầu bắt buộc. Hiện nay, Trung Quốc là đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn của Việt Nam nên việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ sẽ có tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt mức 28,8 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2015, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ tăng 8,3%, đạt 9,3 tỷ USD. Như vậy có nghĩa là từ đầu năm đến nay Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc tới 19,5 tỷ USD. Nếu Trung Quốc phá giá đồng tiền, còn Việt Nam giữ nguyên tỷ giá thì chắc chắn con số nhập siêu từ quốc gia này vào Việt Nam sẽ còn tăng lên gấp bội trong thời gian tới.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là việc chỉ nới rộng biên độ giao dịch đã đủ để hóa giải những tác động xấu, “thuốc” đã đủ liều hay chưa? Theo giải thích của NHNN, biên độ tỷ giá VND/USD được tăng từ +/-1% lên +/-2% là căn cứ vào việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ 1,9% vào ngày 11-8. Nhưng ngày 12-8, đồng nhân dân tệ lại tiếp tục được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giảm giá thêm tới 1,6% so với tỷ giá tham chiếu chính thức. Như vậy, chỉ trong 2 ngày qua, đồng nhân dân tệ đã giảm giá tới 3,5%. Theo các chuyên gia, ước tính sự giảm giá 1% của đồng nhân dân tệ sẽ làm tăng thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc thêm 0,6% - 0,8%. Như vậy nghĩa là việc đồng tiền này giảm giá 3,5% sẽ làm tăng thâm hụt thương mại từ 2,1% - 2,8%. Và như vậy, dường như giải pháp nới rộng biên độ tỷ giá thêm 1% còn chưa đủ để bù đắp các tác động xấu.

Tất nhiên, ở góc độ nhà điều hành, NHNN sẽ không muốn làm giảm niềm tin của thị trường nếu không giữ được cam kết của mình. Hơn nữa, việc tăng tỷ giá có thể làm gia tăng nợ công, tác động bất lợi cho các nhà nhập khẩu... Nhưng đã là kinh tế thị trường thì phải tuân theo quy luật thị trường. Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới và khu vực nên bài toán điều hành tỷ giá cần được tính toán với một tư duy mới. Một số chuyên gia kinh tế nhận định thời gian qua tỷ giá VND/USD đang bị giữ quá chặt và cần những điều chỉnh linh hoạt hơn trong thời gian tới. Dư luận vẫn đang chờ đợi những động thái tiếp theo của NHNN về vấn đề này.


MINH GIANG

Tin cùng chuyên mục