Thước đo SEA Games

Tối hôm nay (30-11), lễ khai mạc của SEA Games 30 mới diễn ra, nhưng trong những ngày qua, các thông tin không tốt, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nước chủ nhà Philippines đã xuất hiện dày đặc.

 Điều này dẫn đến không ít lo ngại cho khả năng thành công của Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 30, cũng là thời điểm tròn 60 năm tuổi của sự kiện thể thao này.

Các thiếu sót trong công tác tổ chức của Philippines thành thật mà nói là có, nên những phản ứng tiêu cực cũng khó tránh. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ rộng hơn, thì điều đó chưa đủ để kết luận về năng lực tổ chức của nước chủ nhà. 

Những thiếu sót dễ nhận thấy ở môn bóng đá. Do thời gian kéo dài, nên môn bóng đá diễn ra sớm hơn các môn khác đến một tuần lễ. Dĩ nhiên, đây không phải là thời gian chính thức của đại hội nên các nguồn lực tổ chức cũng chưa được vận hành tối đa, đặc biệt là khâu hậu cần mà thông thường chỉ ổn thỏa trước thời điểm lễ khai mạc. Hơn nữa, Philippines là nơi có hạ tầng bóng đá kém phát triển nhất khu vực. Hồi năm 2005, họ đã phải đưa môn thể thao có sức hút lớn nhất thế giới này về thành phố nhỏ Bacolod chỉ vì đó là nơi có… sân cỏ để thi đấu; còn tại đại hội lần này, họ chỉ có sân cỏ nhân tạo để tổ chức.

Kế đến, với hình thức luân phiên đăng cai hiện nay, các quốc gia thường ở trong thế bị động mỗi lần tổ chức SEA Games. Tính từ mốc năm 1989 - Việt Nam lần đầu tiên dự SEA Games - Philippines đã đăng cai tổng cộng 3 lần, mỗi kỳ cách nhau chỉ hơn 10 năm. Trong khi đó, phải đến năm 2021, Việt Nam mới lại đăng cai lần thứ 2, cách lần đầu tiên năm 2003 đến 19 năm. Lẽ ra, SEA Games 2019 sẽ diễn ra tại TPHCM của Việt Nam, nhưng sau khi rút lui khỏi quyền tổ chức Asiad 19 thì kế hoạch SEA Games cũng không được tiến hành. Theo đúng nghĩa vụ, Việt Nam phải đăng cai kỳ kế tiếp và đó là lý do Hà Nội tiếp tục trở thành thành phố tổ chức dù ban đầu là TPHCM. Theo kế hoạch, Hà Nội vẫn sẽ sử dụng lại cơ sở vật chất cũ để tổ chức SEA Games 31. Phân tích như vậy để thấy, Philippines gặp không ít khó khăn trong việc đăng cai SEA Games 30 do quá cận với kỳ tổ chức trước.

Mặc dù đang mang nhiều hình ảnh tiêu cực, nhưng SEA Games 30 là kỳ đại hội được đầu tư nhiều nhất của Philippines. Nếu năm 2005, họ gần như tận dụng toàn bộ cơ sở vật chất của lần đăng cai trước đó (năm 1991) thì ở SEA Games 30 này, Philippines có 2 địa điểm thi đấu mới ở đẳng cấp thế giới, đó là Nhà thi đấu Philippines Arena có sức chứa cực lớn (55.000 chỗ ngồi) và Clark City Complex được đầu tư riêng SEA Games và sau đó phục vụ cho các VĐV dự Olympic của Philippines. Như vậy, nước chủ nhà đã rất quan tâm đến sự thành công của đại hội, nếu không có điều đó thì Quốc hội nước này khó mà duyệt chi đến 80% ngân sách tổ chức.

SEA Games hiện nay không phải là sự kiện có tầm vóc lớn như 20 - 30 năm trước. Nền thể thao của các quốc gia Đông Nam Á hiện nay, cùng với đà tăng trưởng và thịnh vượng chung của khối ASEAN, đã có những tiến bộ rất nhanh trên đấu trường châu Á, thế giới. Một số môn như cầu lông, boxing, cử tạ, xe đạp, karate… đang ở nhóm đầu thế giới. SEA Games từ chỗ là đấu trường chính, trở thành đòn bẩy, cơ hội “luyện quân” và đào tạo thế hệ kế cận. Những Joseph Schooling (Singapore) hay Hoàng Xuân Vinh (Việt Nam) cũng vươn lên đỉnh cao Olympic từ chính “chiếc nôi” SEA Games.

Có thể nói, sự tiến bộ về thành tích hay các đầu tư mới về cơ sở vật chất mới là chi tiết mà giới truyền thông cũng như các nhà quan sát cần phải nhìn vào trước khi đánh giá thành - bại của SEA Games 30, thay vì các thiếu sót trước ngày khai mạc.

Tin cùng chuyên mục