Thước đo và chỉ báo cụ thể cho thành phố sống tốt

Việc lãnh đạo TPHCM đặt mục tiêu biến nơi đây thành một đô thị có chất lượng sống tốt là điều hết sức chính đáng. Quan điểm chung là mọi nỗ lực, mọi công việc của chính quyền, dù là ở đâu, suy cho cùng phải mang lại chất lượng sống ngày càng tốt hơn cho người dân. Nói cách khác, việc đem đến chất lượng sống tốt cho người dân là mục tiêu tự thân của mọi chính quyền.

Việc lãnh đạo TPHCM đặt mục tiêu biến nơi đây thành một đô thị có chất lượng sống tốt là điều hết sức chính đáng. Quan điểm chung là mọi nỗ lực, mọi công việc của chính quyền, dù là ở đâu, suy cho cùng phải mang lại chất lượng sống ngày càng tốt hơn cho người dân. Nói cách khác, việc đem đến chất lượng sống tốt cho người dân là mục tiêu tự thân của mọi chính quyền.

Khắc phục yếu kém là đã có được thành phố sống tốt?

Nhưng có lẽ khi nói xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt thì việc đầu tiên, xét về mặt phương pháp luận, cần phải được làm sáng tỏ đó là chất lượng sống tốt ấy được so sánh với cái gì. Quả vậy, có thể có nhiều cách hiểu khác nhau về “chất lượng sống tốt”, chẳng hạn khi chất lượng sống tốt là so sánh với chất lượng sống hiện tại của TP và do đó, chỉ cần cải thiện những mặt còn yếu kém của TP sẽ được xem là có chất lượng sống tốt, tức là so sánh chất lượng sống hiện tại với chất lượng sống trong quá khứ của TP.

Mặt khác, chất lượng sống tốt của TPHCM cũng có thể được tư duy trong sự so sánh với chất lượng sống hiện tại của các đô thị khác trong khu vực như Singapore hay Kuala Lumpur (Malaysia), và khi đó, việc xây dựng các tiêu chí đo lường chất lượng sống tốt lại được thiết kế trong sự so sánh với chất lượng sống hiện tại của các đô thị ấy. Nhưng bản thân các đô thị trong khu vực cũng không đứng yên, bởi vừa qua, Singapore đã đề ra mục tiêu làm cho chất lượng không khí ở đảo quốc này tốt tương đương với những đô thị trong lành nhất của Tây Âu.

Người dân tập thể dục bên kênh Tân Hóa - Lò Gốm sau khi được cải tạo. Ảnh: Việt Dũng

Như vậy khi xây dựng bộ tiêu chí về chất lượng sống tốt cho TPHCM, điều cần phải được làm sáng tỏ là chất lượng ấy được thiết kế theo thước đo nào như vừa nêu trên. Từng loại thước đo sẽ có tiêu chí và mức độ tương ứng. Khi xác lập được hệ thống tiêu chí phù hợp thì điều cũng hết sức cần thiết là phải có các chỉ báo cụ thể và thích đáng để đo lường các tiêu chí được đưa ra.

Chẳng hạn về môi trường sống ở đô thị, chúng ta thấy rõ là hiện nay đời sống văn hóa lẫn thể dục thể thao của TPHCM là hết sức nghèo nàn. Quả vậy, với một đô thị tầm cỡ như TPHCM mà đến giờ này chúng ta vẫn chưa có một nhà hát giao hưởng một cách đúng nghĩa, cũng chưa có những lễ hội truyền thống riêng có thể trở thành một đặc trưng của TP. Đồng thời, đời sống thể thao của TP cũng không có gì để thu hút khi người dân không có cơ hội để mỗi cuối tuần hay mỗi cuối tháng có thể thưởng lãm được các hoạt động thể dục thể thao chất lượng cao. Nhìn sang các đô thị lân cận thì tình hình rất khác, chẳng hạn người dân Singapore được thưởng thức các giải thể thao đẳng cấp thế giới như cuộc đua xe Thể thức 1 (Formula One) hay giải quần vợt WTA cuối năm dành cho 8 tay vợt nữ hàng đầu thế giới. Malaysia cũng có trường đua giải Thể thức 1, giải MotoGP, cũng như giải quần vợt WTA Kuala Lumpur 500…

Kéo giảm bất bình đẳng về thu nhập

Nhìn lại thì thấy chúng ta hoàn toàn không có bất cứ một giải thể thao đẳng cấp cao nào để cho cư dân thưởng lãm. Vậy phải chăng đây cũng là một chỉ báo cho chất lượng sống tốt? Bởi để có thể quy tụ được các vận động viên hàng đầu thế giới đến với các giải đấu của TPHCM thì đương nhiên chất lượng về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, giao thông đi lại… phải được cải thiện. Còn nhớ ở kỳ Olympic diễn ra Bắc Kinh (Trung Quốc), có không ít vận động viên đã từ chối tham dự do e ngại chất lượng không khí ở đó không tốt, có thể gây hại cho sức khỏe khi tham gia thi đấu.

Một chỉ báo khác cũng không thể không nói đến đó là mức sống của người dân TPHCM. Khi nói TP có chất lượng sống tốt thì mức sống của người dân TP là như thế nào, mà cụ thể là mức thu nhập bình quân đầu người là bao nhiêu? Bên cạnh mức sống cao thì điều cũng tối quan trọng là sự bất bình đẳng về thu nhập phải giảm, tức là không có sự chênh lệch quá lớn trong thu nhập giữa các nhóm dân cư ở TP. Và để biết TP có bình đẳng hay không thì cần phải dùng đến hệ số GINI, vốn là hệ số đo lường về bất bình đẳng trong thu nhập giữa các nhóm dân cư. Hệ số này chạy từ 0,00 đến 1,00 và khi bằng 1,00 là có sự bất bình đẳng tuyệt đối; còn đối với các nhà nghiên cứu xã hội, khi hệ số GINI bằng 0,40 là đã có sự bất bình đẳng đáng kể. Vậy TP có chất lượng sống tốt sẽ là nơi mà hệ số GINI dưới 0,30?

Để có một TP sống tốt, chính quyền TPHCM cần xác định rõ việc so sánh chất lượng sống tốt với thước đo nào và điều cũng cần thiết hơn đó là phải có những chỉ báo cụ thể và chính xác hết mức có thể để đo lường cho các tiêu chí được đưa ra.

LÊ MINH TIẾN
(Giảng viên Xã hội học - Đại học Mở TPHCM)

Tin cùng chuyên mục