“Thuốc” trị bạo lực học đường

Liên tiếp những ngày qua, cả nước xảy ra nhiều vụ việc học sinh đánh nhau, dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Đáng nói, số lượng và mức độ bạo lực ngày càng gia tăng, đặt ra bài toán tìm “thuốc” đặc trị giải quyết dứt điểm bạo lực học đường.

Học sinh cần sự đồng hành    

Từng là học sinh đánh bạn vào đầu năm học 2022-2023, V., học sinh lớp 6, Trường THCS Minh Đức (quận 1, TPHCM), cho biết, mâu thuẫn giữa em và bạn xảy ra từ giữa năm học lớp 5 nhưng chưa được giải quyết. Khi lên lớp 6, hai bạn có thêm hiểu lầm khiến mâu thuẫn tích tụ, bộc phát thành hành động bạo lực với nhau.

“Em rất hối hận vì không kiềm chế được cảm xúc của mình, nhìn thấy được hậu quả nên tự dặn lòng không bao giờ tái phạm, nếu nóng giận sẽ tìm người lớn để chia sẻ chứ không giải quyết bằng hành động sai trái của mình”, V. chia sẻ. 

Cùng suy nghĩ, H. học sinh lớp 9 một trường THCS ở quận Gò Vấp, TPHCM lý giải hành động bạo lực của mình vào cuối năm học trước là do hàng loạt bất đồng về quan điểm với bạn từ trước, dồn nén bực tức trong lòng nhưng không có cơ hội giải tỏa. Do đó, khi xuất hiện thêm một mâu thuẫn nhỏ cũng trở thành giọt nước tràn ly khiến cả hai không kiểm soát được cơn giận dẫn đến xô xát.

Bài học được H. rút ra sau câu chuyện của mình là khi gặp ấm ức hãy chia sẻ với bạn bè, ba mẹ hoặc thầy cô. Mâu thuẫn khi mới chớm sẽ giải quyết rất nhẹ nhàng, không nên để căng thẳng “tích tiểu thành đại” dẫn đến hậu quả lớn.

Phan Nguyễn Đăng Dương, học sinh lớp 9/3, Trường THCS Minh Đức, cho rằng, bạo lực học đường ảnh hưởng rất nhiều đến thành tích học tập và hạnh kiểm của học sinh. “Công sức học tập suốt 9 năm trời sẽ bị ảnh hưởng nếu tụi em không kiểm soát được cảm xúc và hành động bộc phát trong phút chốc của mình. Trong đó, mâu thuẫn giữa học sinh đa phần xuất phát từ bất đồng quan điểm, không biết cách lắng nghe, cái tôi quá lớn. Những việc này có thể giải quyết bằng nhiều cách như tìm người lớn phân xử, chứng minh bằng hành động thực tế chứ không nên giải quyết bằng bạo lực”, Đăng Dương bày tỏ. 

Học sinh này nói thêm, nhiều bạn nhỏ ngày nay bị ảnh hưởng khá nhiều từ mạng xã hội và trò chơi trực tuyến (game online). Giáo viên chủ nhiệm là người theo sát quá trình học tập của học sinh, cần thường xuyên lắng nghe, chia sẻ và gỡ bỏ những khúc mắc ban đầu, giúp học sinh giải tỏa ức chế trong lòng, không để mâu thuẫn kéo dài dẫn đến những hành động đáng tiếc. 

Phối hợp trường học và gia đình

Ở góc độ giáo viên, cô Hoàng Hương Hoa, giáo viên chủ nhiệm lớp 8/3, Trường THCS Minh Đức, phân tích, nguyên nhân của hầu hết các vụ bạo lực học đường thường do trong độ tuổi từ 11-15, học sinh thay đổi rất nhiều về tâm sinh lý, muốn khẳng định mình, chứng tỏ vai trò thủ lĩnh. Nhiều khi một cái liếc nhau, một câu nói vô tình cũng tạo ra hiểu lầm giữa các em.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp nguyên nhân xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, do các em thiếu thốn tình cảm, sống với ông bà, người giúp việc hoặc có trường hợp đầy đủ ba mẹ nhưng phụ huynh mải mê làm ăn, thiếu quan tâm con cái, phó mặc con với điện thoại di động... lâu ngày khiến trẻ có nhận thức và hành vi sai lệch. 

“Thuốc” trị bạo lực học đường ảnh 1 Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1, TPHCM) tham gia chuyên đề  “Học cách tôn trọng bạn”. Ảnh: THU TÂM 

Để giảm thiểu các hành vi bạo lực học đường, cô Hương Hoa cho rằng, giáo viên chủ nhiệm cần tìm hiểu hoàn cảnh từng học sinh, quan tâm và hỗ trợ về tâm lý với những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt. Ngoài ra, các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt dưới cờ với hình ảnh trực quan sinh động về bạo lực học đường sẽ giúp học sinh hiểu biết thêm về pháp luật, tác động xấu của bạo lực học đường, từ đó nhận biết hành vi tốt - xấu và chuẩn mực cư xử, học cách kiềm chế cảm xúc và bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, để giáo dục mang lại hiệu quả lâu dài cần sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, không nên đẩy hết trách nhiệm cho thầy cô giáo.

Ở góc độ khác, cô Hà Thị Nam Ly, giáo viên chủ nhiệm lớp 5/1, Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1, TPHCM), cho rằng, giáo viên không áp đặt việc gì nên và không nên làm với học sinh mà cần tạo ra các tình huống giả định gần gũi, tạo cơ hội để các em nói lên suy nghĩ, nhận xét của mình, từ đó định hướng suy nghĩ và hành động phù hợp.

Để hạn chế mâu thuẫn giữa học sinh, ngay từ tiểu học, các em cần hiểu ý nghĩa của việc tôn trọng bạn, không đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài mà phải tìm hiểu tính cách, phẩm chất bên trong. Hầu hết học sinh chưa có nhiều kinh nghiệm giao tiếp nên chủ yếu các em suy nghĩ trực quan, hành động cảm tính, cần sự định hướng phù hợp từ ba mẹ và thầy cô.

“Ở nhà các em có thể được cưng chiều, hoàn cảnh mỗi em mỗi khác nhưng khi cùng ở trong một tập thể, khoác lên người đồng phục học sinh thì tất cả đều được đối xử công bằng, bình đẳng”, cô Nam Ly bày tỏ.


Bà TRẦN THÚY AN, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, quận 1, TPHCM:

Không phải xử lý xung đột là xong

Trong nhà trường, việc các học sinh có mâu thuẫn với nhau là việc khó tránh. Khi phát hiện học sinh có xung đột, điều đầu tiên giáo viên cần làm là quan tâm sức khỏe và tâm lý học sinh, xem các em có bị thương ở đâu không, cảm xúc nóng giận, uất ức đã được giải tỏa hay chưa. Tiếp đến, giáo viên cần tìm hiểu phụ huynh, các bên liên quan đã biết mâu thuẫn của con mình chưa. Học sinh thường có xu hướng giấu, không muốn chia sẻ với ba mẹ.

“Thuốc” trị bạo lực học đường ảnh 2

Tuy nhiên, vì lợi ích của chính học sinh, nhà trường cần chủ động trao đổi để có sự phối hợp tốt nhất giữa trường học và gia đình trong việc giáo dục các em. Song song đó, phụ huynh và giáo viên cần ngồi lại lắng nghe học sinh nói. Sau khi hiểu được nguyên nhân của xung đột, cả hai phía trao đổi quan điểm giữa các bên, từ đó đưa ra hình thức xử lý phù hợp. Trong đó, cần sự đồng thuận từ phía gia đình, vì trong nhiều trường hợp phụ huynh không muốn con em mình tiếp tục chơi với bạn vì lo sợ xảy ra va chạm. 

Việc xử lý xung đột giữa các em không dừng ở đó bởi nhiều trường hợp tưởng xong nhưng thật ra vẫn còn âm ỉ trong nhận thức và suy nghĩ của học sinh. Vì vậy, nhà trường cần rà soát quy trình hoạt động của mình, chưa ổn ở điểm nào thì xử lý ngay ở đó.

Ví dụ, thiếu nhân sự thì cử cán bộ đoàn viên, giáo viên bộ môn, bảo mẫu hỗ trợ giám sát, tăng cường sinh hoạt nội quy vào tiết sinh hoạt chủ nhiệm. Cùng với đó, thầy cô cũng tạo cơ hội cho học sinh tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao để hàn gắn tình bạn giữa những học sinh từng xảy ra mâu thuẫn; qua đó giúp các em xích lại gần nhau, kết hợp với việc mời chuyên gia tâm lý, cán bộ công an, giáo viên chia sẻ trước toàn trường... giúp học sinh nhận thức đúng đắn về tác hại của nạn bạo lực học đường, từ đó nâng cao nhận thức cho học sinh.


Th.S LÊ THỊ HỒNG ANH, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, quận 8, TPHCM:

Lắng nghe hiến kế từ chính học sinh

Năm học này, song song với các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt ở sân trường, nhà trường có mời các báo cáo viên, chuyên gia tâm lý trao đổi với học sinh. Trường THPT Võ Văn Kiệt cũng khởi động dự án sách nói với chủ đề “Những mẩu chuyện văn hóa thường thức” nhằm tạo cơ hội cho học sinh nói lên suy nghĩ của mình về tình trạng bạo lực học đường; qua đó chính các em hiến kế cho nhà trường các giải pháp để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường.

“Thuốc” trị bạo lực học đường ảnh 3

Tôi cho rằng, khi chính học sinh đưa ra giải pháp xử lý thì ý thức các em sẽ được nâng cao, việc học tập trở nên chủ động và mang lại hiệu quả giáo dục cao, tác động lâu dài. 

Song song đó, nhà trường cũng đẩy mạnh các hoạt động trang trí lớp, xây dựng môi trường học đường thân thiện, tạo sự gắn kết giữa học sinh các lớp, giúp các em cảm nhận được mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Tin cùng chuyên mục