Mỹ viện 88 Sương Nguyệt Ánh

Thương hiệu của lòng nhân ái

Thương hiệu của lòng nhân ái

Đã có nhiều bài báo viết về cuộc đời và những nghĩa cử cao đẹp của ông bà Lê Công Bình - Mai Ngọc Nga, chủ nhân Mỹ viện 88 Sương Nguyệt Ánh (Q.1, TP.HCM). Nhiều huân - huy chương của Nhà nước được trao tặng vì những cống hiến của ông bà trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Không ít bằng khen của các cơ quan, tổ chức ghi nhận sự đóng góp của ông bà đối với cộng đồng. Và thật đáng trân trọng là tình yêu mà ông bà đã dành cho nhau.

Thương hiệu của lòng nhân ái ảnh 1
Ông Lê Công Bình nhận Cúp vàng Thương hiệu Việt

Trong chiến tranh, cô y tá Mai Ngọc Nga đã không ngừng phấn đấu, học hỏi trong mọi hoàn cảnh để trở thành một bác sĩ tài đức và đã tận tình cứu chữa cho nhiều chiến sĩ và nhân dân. Trong những năm kháng chiến, bà đã thay chồng làm cha, bởi hồi ấy ông Lê Công Bình là cán bộ ngoại giao thường xuyên công tác xa nhà để tìm nguồn viện trợ cho kháng chiến. Khi đất nước hòa bình, gia đình đoàn tụ, ông bà mới có thời gian dành cho nhau. Ông là điểm tựa để bà tập trung cho việc nghiên cứu khoa học, những đề tài khoa học có nhiều đóng góp đáng kể cho nền y học. Bà được bầu chọn là Chiến sĩ thi đua nhiều năm liền khi còn công tác ở Bệnh viện Việt Nam – Cuba (Hà Nội), bệnh viện An Bình (TP.HCM), và có nhiều đóng góp trong việc đào tạo y bác sĩ cho nước nhà.

Lẽ thường khi con người ta đã trải qua hơn nửa cuộc đời lao động và phấn đấu, nghỉ hưu là lúc được thảnh thơi, vui vầy với con cháu... Nhưng ông bà Bình - Nga lại khác, ông tâm sự: “Nghỉ sao được khi mà xung quanh mình còn bao người đang sống cuộc đời bất hạnh, đói rét, bệnh tật; mình phải cố gắng làm việc gì đó để mọi người có thể có được một cuộc sống tốt đẹp hơn”. Muốn giúp họ thì phải có tiền, mà đồng lương hưu của ông bà chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình. Với sự năng động và tinh thần ham học hỏi, ông đã cùng bà đi HongKong, Paris, Úc… để tìm hiểu và học hỏi những tiến bộ của ngành thẩm mỹ.

Sau khi bà Nga tốt nghiệp khóa đào tạo về chăm sóc da mặt của Trung tâm Nghiệp vụ bảo dưỡng sắc đẹp Sydney  - Úc (năm 1993), trở về nước ông bà mở Mỹ viện 88 Sương Nguyệt Ánh, chuyên về hút mụn và chăm sóc da,…kết hợp giữa phương pháp cổ truyền và y khoa hiện đại. Với sự tận tâm trong công việc, mỹ viện nhanh chóng được khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm.

Có một điều đặc biệt và rất đáng trân trọng là tất cả lợi nhuận từ mỹ viện, ông bà Bình - Nga thường dùng để giúp đỡ những người nghèo khó. Đến nay, họ đã giúp đỡ rất nhiều người nghèo, đó là những cặp bò sữa, đà điểu… và hàng trăm triệu đồng mua sắm vật dụng hỗ trợ các cháu bị chất độc da cam ở cơ sở Thiên Phước; hàng trăm triệu đồng mổ đục thủy tinh thể cho 300 người ở An Giang, Bến Tre, Tiền Giang; mua trang thiết bị, máy Laser CO2… cho Bệnh viện Châu Đốc; xây nhà tình thương cho người nghèo; tiên phong đóng góp 500 triệu đồng xây dựng Trung tâm Chữa bệnh và đào tạo nghề cho trẻ em khuyết tật thành phố… Và rất nhiều hoạt động từ thiện nữa mà trong phạm vi bài viết này chúng tôi không thể kể hết.

Hiện nay, bác sĩ Mai Ngọc Nga không còn nữa. Ông Lê Công Bình cũng đã ở tuổi 84 nhưng hàng ngày ông vẫn lắng nghe và theo dõi tin tức xem ở đâu đó có ai cần giúp đỡ, để có thể góp một phần nào trong việc xoa dịu nỗi đau của họ. Trong mỗi câu chuyện mà ông kể cho tôi nghe đều có bóng dáng của bà, ông nhắc đến bà như thể bà là dòng máu nóng đang chảy trong tim ông, là tinh thần, động lực để ông và con cháu tiếp tục làm những việc mà bà làm dang dở. Nguồn động viên lớn nhất của ông hiện nay chính là sự trưởng thành của con cháu, là sự quý mến của mọi người dành cho ông cũng như Mỹ viện 88 Sương Nguyệt Ánh.

PHẠM HÀ

Tin cùng chuyên mục