Trên thực tế, câu chuyện xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp đã được đề cập cách đây nhiều năm và trở nên thật sự bức thiết cách đây 2 năm, khi Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do. Bởi việc ký kết trên đã mở ra thị trường xuất khẩu hết sức rộng lớn cho doanh nghiệp. Tại các thị trường này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngay lập tức hoặc theo lộ trình sẽ được giảm thuế từ mức khoảng trên dưới 30% về 0%.
Tuy nhận được cơ hội to lớn nhưng tại thời điểm đó, phần lớn hàng hóa Việt Nam chủ yếu xuất thô nên giá trị gia tăng thấp. Thậm chí, tại nhiều kênh phân phối ở thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, sản phẩm của Việt Nam nhưng bao bì đóng gói thì đề tên của các doanh nghiệp khác. Hệ quả của việc này, hàng hóa Việt không thể vào sâu trong các thị trường xuất khẩu, mà tai hại hơn, người tiêu dùng thế giới hoàn toàn không biết đó là hàng hóa đến từ Việt Nam, dù đang rất ưa chuộng sử dụng. Còn tại thị trường trong nước, việc thiếu đầu tư xây dựng thương hiệu cũng khiến một bộ phận người tiêu dùng hoài nghi chất lượng hàng Việt. Thậm chí, nhiều người tiêu dùng trong nước luôn tồn tại tâm lý ưa chuộng sử dụng hàng ngoại nhập hơn vì thấy có “tên tuổi” cụ thể.
Trước thực trạng đó, một chiến lược phát triển thương hiệu doanh nghiệp Việt, hàng hóa Việt được Chính phủ chỉ đạo triển khai. Theo đó, các tham tán thương mại có trách nhiệm khảo sát, thống kê nhu cầu tiêu dùng hàng hóa Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Đồng thời ghi nhận chi tiết về những hàng hóa Việt nhưng đóng gói và phân phối bởi các đối tác nước sở tại hoặc nhập khẩu từ các quốc gia khác. Trên cơ sở đó, thông tin chuyển đến các doanh nghiệp trong nước để có cơ sở xây dựng kế hoạch sản xuất và phát triển thương hiệu.
Các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ chuyển đổi công nghệ sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất. Mặt khác, doanh nghiệp được khuyến khích một mặt vẫn duy trì xuất khẩu thô nhưng mặt khác phải chuyển một phần sang sản xuất hàng hóa gắn liền với việc xây dựng thương hiệu. Hàng hóa sản xuất có thương hiệu không chỉ phục vụ thị trường xuất khẩu mà còn phân phối tại thị trường nội địa. Đây cũng là bước đệm cần thiết trong giai đoạn chuyển đổi từ giảm xuất khẩu thô sang tăng cường xuất khẩu tinh và gia tăng nội lực nhờ chắc chân ở thị trường nội địa.
Tính đến nay, định hướng phát triển trên bước đầu đã gặt hái nhiều trái ngọt. Những ngày đầu năm 2021, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam đã “xông đất” năm mới với lô hàng lớn xuất khẩu đi Trung Quốc gồm 2 sản phẩm sữa hạt và sữa đặc mang thương hiệu Vinamilk. Trong năm 2020, công ty này đã ký thành công hợp đồng xuất khẩu sữa bột trẻ em trị giá 20 triệu USD đi Trung Đông mang thương hiệu Việt. Hay như sản phẩm lốp ô tô mang thương hiệu Casumina đã và đang có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Hoa Kỳ… Còn tại thị trường trong nước, hiện đã có đến 76% người tiêu dùng nội đã ưu tiên sử dụng hàng Việt do có độ tin cậy cao, chất lượng an toàn (theo báo cáo nghiên cứu của Công ty Tư vấn kinh doanh The Ocean Blue).
Thương hiệu là giá trị vô hình của một doanh nghiệp nhưng lại có tác động rất hữu hình đến niềm tin của người tiêu dùng và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. Giá trị thương hiệu càng uy tín và bền vững thì năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng của doanh nghiệp trên thị trường càng được phát huy mạnh hơn. Quan trọng hơn, giá trị thương hiệu chính là yếu tố then chốt quyết định sự thành công, khác biệt của một doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh còn lại. Tuy nhiên, muốn làm được vậy, lãnh đạo doanh nghiệp cần nhận thấy việc xây dựng thương hiệu có giá trị phải có chiến lược đầu tư lâu dài, ổn định.
Trong bối cảnh ấy, giải thưởng “Thương hiệu Vàng” được UBND TPHCM tổ chức không nằm ngoài mục đích góp phần nâng cao giá trị thương hiệu Việt và mở rộng thêm là gắn với sự nhận diện của TPHCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.