Xây dựng một công trình đã vất vả, tốn kém, nhưng việc phá dỡ cũng tổn hao không ít.
Để tháo dỡ phần xây dựng không phép tại chung cư 584 Phú Thọ Hòa, Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TPHCM, chủ đầu tư phải thuê đơn vị tư vấn khảo sát và lập biện pháp tháo dỡ, lập bản vẽ bằng một bộ hồ sơ dày cộm, tổng chi phí ước tính trên 550 triệu đồng! Đây là khu chung cư có cư dân đang sinh sống nên việc dỡ phá phải có giải pháp để đưa các “phế liệu” từ trên sân thượng xuống đất, cũng như các hạng mục khác bao quanh chung cư… Tất cả các việc làm trên nhằm trả lại cho chung cư nguyên mẫu như quy hoạch đã được các cơ quan chức năng phê duyệt!
Công bằng mà nói, đây là lần đầu tiên Sở Xây dựng làm thẳng tay, trước đây những vụ xây dựng kiểu như vậy, gần như xử lý theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”. Nhưng suy cho cùng, nếu không làm quyết liệt thì chắc chắn chuyện kiện tụng của cư dân sinh sống tại chung cư 584 với chủ đầu tư không biết đến bao giờ mới kết thúc. Có thể hình dung rằng, khi mua căn hộ cư dân đã nắm tường tận các hạng mục, từng chi tiết của tòa nhà, vì đó là tiền của họ bỏ ra. Do đó, không thể qua mắt được cư dân khi những “công trình lạ” nằm ngoài giấy phép lù lù xuất hiện: xây dựng thêm các căn hộ và phòng tập thể dục ở sân thượng; văn phòng làm việc, kinh doanh nhà hàng ở tầng trệt. Mặt khác, sống ở chung cư cái gì cũng chi tiền, nào phí quản lý, tiền vệ sinh, đến tiền giữ xe… Vì vậy họ cần biết tổng nguồn thu là bao nhiêu, đến từ cái gì; đồng thời cũng phải biết số tiền thu được chi cụ thể vào món gì. Từ đó, câu chuyện giám sát của cư dân rất nóng, gần như thường trực.
Khi bắt tay xây dựng chung cư thương mại, chủ đầu tư đều biết rất rõ cái gì của mình, cái gì thuộc về cư dân. Khi sự xâm lấn quyền lợi phát sinh, tất nhiên mâu thuẫn bùng phát. Gần như tất cả các tranh chấp hiện nay đều xuất phát từ nguyên nhân này. Có một số lập luận rằng, nguyên nhân xuất phát là do luật pháp quy định chưa rõ ràng. Chẳng hạn, cho đến nay thành phố vẫn chỉ dừng lại “dự thảo” quản lý nhà chung cư và tiếp tục xếp cất sau gần chục lần đem ra lấy ý kiến.
Cho dù lý lẽ nào đi nữa, chắc chắn khi đổ ra hàng trăm hoặc hàng ngàn tỷ đồng xây dựng chung cư thì chủ đầu tư am hiểu pháp luật hơn ai hết. Muốn kết thúc sự tranh chấp trước tiên thuộc về sự tôn trọng của chủ đầu tư đối với người mua nhà cũng như đối với pháp luật. Nhưng khi khế ước này đổ vỡ chắc chắn sự can thiệp kịp thời của cơ quan pháp luật mới dập tắt sự lùm xùm xảy ra tại hàng loạt chung cư trong thời gian qua. Hy vọng sự “thẳng tay” từ câu chuyện chung cư 584 sẽ bắt đầu một trang mới trong việc quản lý chung cư tại thành phố: thượng tôn pháp luật!
THIỆN LƯƠNG