Thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai- Lãng phí hay hiệu quả?

Chuyện “ồn ào” về thủy điện 6 và 6A “ăn” vào Vườn quốc gia Cát Tiên chỉ là một trong nhiều vấn đề cần xem xét khi làm thủy điện mà dư luận đã nêu lên. Sự thật những thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai đã mang lại hiệu quả kinh tế hay lãng phí?

Chuyện “ồn ào” về thủy điện 6 và 6A “ăn” vào Vườn quốc gia Cát Tiên chỉ là một trong nhiều vấn đề cần xem xét khi làm thủy điện mà dư luận đã nêu lên. Sự thật những thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai đã mang lại hiệu quả kinh tế hay lãng phí?

  • Dày đặc thủy điện

Lưu vực sông Đồng Nai có nhiều dự án thủy điện trên 3 sông chính: sông Đồng Nai, sông La Ngà và sông Bé. Theo khảo sát của tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên Tổng Thư ký Ủy ban sông Mê Công, có 20 dự án thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai với tổng công suất 2.766 MW.

Cụ thể, trên sông Đồng Nai có 9 thủy điện, sông La Ngà 5 thủy điện và trên sông Bé 6 thủy điện. Đó là chưa tính hàng loạt thủy điện có công suất nhỏ do các địa phương tự duyệt quy hoạch.

Ngần ấy thủy điện hết bao nhiêu tiền đầu tư? Mới đây, đại diện Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho biết: Vốn đầu tư của tập đoàn vào thủy điện 6 và 6A trung bình 26 tỷ đồng/MW. Khảo sát từ một số thủy điện khác, cũng từ 28 - 32 tỷ đồng/MW. Như vậy, nếu tính trung bình một MW có vốn đầu tư khoảng 25 tỷ đồng, tổng cộng 2.766 MW của 20 thủy điện trên ngốn hết gần 3,5 tỷ USD. Nếu tính luôn các dự án thủy điện nhỏ khác, chắc chắn số tiền đầu tư vào thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai không nhỏ chút nào.

  • Tốn tiền nhiều, phát điện ít

Câu hỏi đặt ra, với ngần ấy vốn đầu tư vào thủy điện, hiệu quả về kinh tế có tương xứng? Ông Hoàng Văn Thống, Chánh Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, cung cấp thông tin khá quan trọng: Tình trạng thiếu nước trên lưu vực sông Đồng Nai đã trở nên nghiêm trọng do thiếu mưa và việc thủy điện tích nước.

Thực tế khoa học đã chứng minh, trên cùng một dòng sông chỉ làm một thủy điện thì điện sẽ phát quanh năm; làm 2 hồ thủy điện, thời gian phát điện ngắn lại vài tháng, tức thời gian phát điện tỷ lệ nghịch với số nhà máy thủy điện xây trên một dòng sông. Điều này đã minh chứng qua đợt khảo sát các nhà máy thủy điện trên sông Đồng Nai cuối năm 2010, hàng loạt thủy điện phải ngưng hoạt động do thiếu nước.

Hồ thủy điện Trị An nằm gần cuối sông Đồng Nai không tích đủ nước để vận hành; ngược lên thượng nguồn, tại Di Linh, Lâm Đồng, thủy điện Đồng Nai 2 đang trong giai đoạn tích nước để chuẩn bị khởi động các tổ máy; thủy điện Đồng Nai 3 cũng đang tích nước nhưng lượng nước về hồ rất ít, không đủ để vận hành các tổ máy phát điện.

Khảo sát của phóng viên Báo SGGP vào thời điểm đó, nhiều thủy điện khác thuộc lưu vực sông Đồng Nai cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Thủy điện Hàm Thuận với công suất 300 MW, từ đầu mùa hè đã trơ đáy dù mùa mưa chưa kết thúc. Cao trình tại hồ Hàm Thuận chỉ ở mức 584m, thiếu hơn 21m mới tích đủ nước theo kế hoạch cho lòng hồ chạy máy năm sau.

Cách Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận 10km về phía hạ lưu sông La Ngà, 2 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Đa Mi với công suất gần 200 MW cũng hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian chạy máy của thủy điện Hàm Thuận. Nghĩa là thủy điện Hàm Thuận ngừng chạy máy để tích nước bao lâu thì Đa Mi cũng “trùm mền” bấy lâu! Ngược lên phía thượng nguồn nhánh sông Đồng Nai, sông Bé, các nhà máy thủy điện Thác Mơ, Sông Pha, Suối Vàng… với công suất hơn 150 MW, nước về hồ hụt khá lớn so với các năm.

Sự thật thủy điện thiếu nước phát điện không chỉ mới “nảy sinh” trong năm 2010 mà đã xảy ra trước đó, dẫn tới nghịch lý: vào mùa nắng nhu cầu sử dụng điện nhiều thì thủy điện không đáp ứng được, đến mùa mưa nhu cầu dùng điện ít thì thủy điện lại đủ nước phát điện thoải mái!

Điều quan trọng hơn, việc xây dựng nhiều thủy điện dẫn tới nguồn nước cung cấp cho thủy điện sẽ tụt giảm vì diện tích rừng bị mất đi. Theo tính toán của các chuyên gia, bình quân 1 MW điện phải mất 16ha rừng. Như vậy, với tổng công suất các thủy điện đã và đang triển khai trên lưu vực sông Đồng Nai sẽ mất đi gần 50.000ha rừng! Mật độ xây dựng thủy điện dày đặc dẫn tới thiếu nước phát điện; nhiều thủy điện sẽ tàn phá nhiều rừng, rừng không còn nhiều để giữ nước đầu nguồn.

Phải chăng đó là lý do hiệu quả phát điện của các thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai rất thấp trong thời gian qua? Đó là chưa nói, việc làm thủy điện sẽ tác động xấu đến môi sinh, môi trường, xâm nhập mặn của sông Đồng Nai ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an sinh xã hội.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần xem xét khách quan, tính đúng, tính đủ về hiệu quả của các dự án thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai, tránh sự đầu tư lãng phí, có thể để lại những hậu họa cho mai sau. 

LƯƠNG THIỆN - QUỐC HÙNG

- Thông tin liên quan:

>> Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A - Đánh giá nghiêm túc nếu muốn triển khai

>> Đồng Nai kiến nghị không xây dựng Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Tin cùng chuyên mục